Chiều 24/10/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV, các đại biểu thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Toàn cảnh buổi thảo luận tổ
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã có 6 ý kiến thảo luận tại tổ. Trong đó, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, Luật phòng chống rửa tiền và Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời cho rằng, dự thảo các luật đã được tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu, thể chế hoá nhiều nội dung, cải tiến đổi mới. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết về kỳ họp Quốc hội cần tính toán kỹ hơn về thời gian họp, kinh nghiệm từ một số nước là không phải ngày nào cũng họp mà có thể giãn cách. Ngoài ra, đại biểu cũng băn khoăn về thời hiệu xử lý kỷ luật là 5 năm sẽ có những hệ luỵ trong quá trình đánh giá cán bộ.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu tại thảo luận tổ
Góp ý về cách thức thông báo vắng mặt, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng cần quy định cụ thể hơn về quy trình để đại biểu thực hiện quy củ, nhưng cũng cần có quy định linh hoạt trong trường hợp đại biểu vắng mặt với lý do đột xuất.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, nội quy kỳ họp đã được Quốc hội ban hành 7 năm, đến nay đã bộc lộ những bất cập, do đó cần thiết phải điều chỉnh. Đại biểu đề nghị biên tập rõ nội hàm tranh luận của đại biểu trên nghị trường Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt phát biểu tại thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cơ bản nhất trí với các nội dung thảo luận, đồng thời đóng góp những ý kiến cụ thể. Trong đó đại biểu cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật phòng chống rửa tiền cho phù hợp thực tế hiện nay. Đại biểu cũng đóng góp nhiều nội dung cụ thể liên quan đến các điều của dự thảo Luật này.
Đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị cần xem xét tính hợp lý trong quy định bảo đảm phòng chống rửa tiền, không tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân hàng, giảm tiến độ giao dịch kinh doanh đặc biệt trên môi trường mạng.
Đại biểu Tạ Đình Thi phát biểu tại thảo luận tổ
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tổng hợp nội dung thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, 6 ý kiến thảo luận rất trúng trọng tâm, trọng điểm của phiên thảo luận. Về nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi nội quy, trong đó nhiều nội dung được cập nhật mới. Đại biểu đề nghị nên trao lại quyền quyết định nội dung kỳ họp bất thường cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không nên quy định cứng là kỳ họp bất thường không xem xét các nội dung của kỳ họp thường lệ.
Đại biểu cũng quan tâm đến tài liệu mật, tài liệu thu hồi trong phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, đề nghị làm rõ từng số liệu nào mật, số liệu nào không mật, không nên để toàn bộ tài liệu là mật. Đại biểu cũng quan tâm đến hình thức tổ chức kỳ họp trực tiếp kết hợp trực tuyến; Sự điều hành của chủ toạ và thời gian đại biểu phát biểu; việc xin nghỉ của đại biểu cần linh hoạt hơn,…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai tổng hợp thảo luận tổ
Về Luật phòng chống rửa tiền, đại biểu khẳng định sự cần thiết nhưng đề nghị Luật phải đáp ứng 2 yêu cầu tối thiểu là đảm bảo thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai, phòng chống rửa tiền không chỉ trong nước và phải hợp tác quốc tế, do đó đại biểu đề nghị quan điểm là giữ nguyên một chương về hợp tác quốc tế trong Luật.
Về Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị không áp dụng hồi tố và đề nghị Chính phủ cam kết thời điểm trình sửa Luật cán bộ công chức, Luật viên chức, đảm bảo sự đồng bộ giữa luật và quy định của Đảng về công tác này./.