Sáng 1/6/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
![](/portal/Photos/2023-06-02/010620230310-z4395577479204_0d1d0e28ba062653fb78d93f03447cf9_GjW--zkT0ES5p9pI.jpeg)
Đại biểu dự kỳ họp
Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đồng thời, sáng cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
![](/portal/Photos/2023-06-02/010620230820-z4394279594869_113f7b62dc384920f0e5933a4b36bfdd_ihXKslelt0SAihI5.jpeg)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có đại biểu Nguyễn Anh Trí tham gia thảo luận. Đánh giá về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, tình hình kinh tế trong 4 tháng năm 2023 gặp nhiều khó khăn nên để đạt được mục tiêu đề ra còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, đất nước sẽ đạt được mục tiêu đề ra vì tình hình quốc phòng và an ninh vẫn ổn định, niềm tin của Nhân dân đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đến các giải pháp cần thực hiện ngay để đạt được các mục tiêu đề ra. Đó là Quốc hội cần chú trọng đến đầu tư công, công tác phòng cháy chữa cháy, hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp để phục hồi và phát triển sản xuất. Đặc biệt, cần chú trọng đến phòng chống thuốc lá, đặc biệt là đề nghị chấm dứt thuốc lá điện tử tại Việt Nam... Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, shisha đã xuất hiện tại Việt Nam có chứa chất gây nghiện là ma túy nên đã gây tác hại rất nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có động thái nào để giải quyết tác hại của các loại thuốc lá này. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá hoặc có văn bản quy phạm pháp luật nào khác để chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Các hành vi vi phạm đều bị xử phạt hình sự.
Về đường sắt Việt Nam, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, đường sắt đã tồn tại hơn 100 năm nay nên đã lạc hậu mặc dù đã được sửa chữa. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm và có những quyết định thực chất để nâng cấp mới hệ thống đường sắt.
![](/portal/Photos/2023-06-02/010620230916-z4394370294994_209735e59fa70e8e3ddb86c366e78d61_EBMkSMiE2OgXcWjh.jpeg)
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh
Tranh luận với một số ý kiến liên quan đến tăng lương, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Bí thư Huyện uỷ Hoài Đức cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề; nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ.
Đại biểu phân tích, ngoài tăng lương chúng ta có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động, như được cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con cái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ.
Mặt khác, chúng ta phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công, bởi năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân. Chúng ta chưa đưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định, hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ; nghị định, thông tư, luật định chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng, lúc sai nên không hiệu quả, năng suất thấp.
Về phân cấp phân quyền, đại biểu kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa về phân cấp, phân quyền cho địa phương. Ngoài ra, đại biểu đề nghị để tăng tính chủ động cho địa phương, Chính phủ xem xét, phân cấp thẩm quyền duyệt phương án chữa cháy cho các địa phương. Các Bộ, ngành Trung ương chỉ nên thẩm định đánh giá tác động môi trường, phương án phòng cháy, chữa cháy, thiết kế cơ sở đối với các dự án đòi hỏi kỹ thuật cao, những dự án có ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
![](/portal/Photos/2023-06-02/010620230918-z4394371099646_9f4571161c16884963c8b2ed4788bc66_XtPHZP1NVE6LKoj0.jpeg)
Đại biểu Tạ Đình Thi
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị và chuyển dịch năng lượng. Theo đại biểu, đây là những vấn đề quan trọng, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển quốc gia, cần thiết được đưa vào Nghị quyết Kỳ họp.
Về phát triển đô thị, đại biểu cho rằng, đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội phát triển đột phá cho các khu vực, địa phương, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Các đô thị chính là những cực phát triển kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, nhưng quá trình thực hiện đô thị hóa đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng về vấn đề này.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch 5 thành phố trực thuộc trung ương, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về chuyển dịch năng lượng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh, các tổ chức tài chính quốc tế trên cơ sở đảm bảo quốc phòng an ninh./.