Phát biểu thảo luận tại tổ sáng 5/6/2023, trong chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm, cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì thảo luận tại tổ
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nên có hướng mở hơn, nên giao cấp tỉnh có thể bố trí từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại để linh hoạt hơn.
Về trách nhiệm nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị bổ sung chế tài bắt buộc trong luật về việc các chủ đầu tư này phải đảm bảo việc đầu tư hạ tầng xã hội. Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, thực tiễn có chuyện làm nhà xong nhưng lại rất thiếu hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện trong các dự án, Thành phố Hà Nội đã yêu cầu những dự án không đầu tư hạ tầng xã hội sẽ thu hồi lại, đề nghị tiếp tục đầu tư, có thể bằng ngân sách hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ phát.
Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận
Bí thư Hà Nội khẳng định, khi quy định chung cư có thời hạn, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân, cưỡng chế di dời khi chung cư xuống cấp, nguy hiểm cũng là bình thường, vì lợi ích của người dân. Hoặc khi chưa đến thời hạn hoặc sát đến thời hạn rồi mà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình thì Nhà nước cũng đứng ra làm.
Liên quan cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu nhiều bất cập khi chung cư là sở hữu của người dân nhưng lại quy định cải tạo bằng đầu tư công, hoặc việc người dân đóng góp kinh phí kiểm định nhà chung cư. Theo Bí thư Thành ủy, quy định cứng như vậy sẽ không thể làm được khi vận hành, do đó Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc này.
Bên cạnh đó, cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề. Thay vì cách làm cải tạo từng tòa nên cải tạo chung cư theo từng khu. Ví dụ nơi nào có 4-5 tòa chung cư cũ, mỗi tòa 4-5 tầng thì khi đầu tư xây dựng lại, chỉ làm 1-2 tòa và làm cao tầng hơn, còn bên dưới để làm không gian thương mại và dịch vụ, tầng hầm, bãi đỗ xe… Theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, làm như vậy người dân sẽ có không gian sống đảm bảo hơn và nhà đầu tư cũng có lợi ích.
Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thảo luận tại tổ
Nhấn mạnh Luật Nhà ở rất quan trọng với Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, vấn đề cần quan tâm khi triển khai xây dựng các dự án, đó là phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vấn đề sở hữu chung - riêng giữa chủ đầu tư - cư dân - quản lý chung cư cũng cần phải quan tâm, kể cả khu vực để xe đạp cho người khuyết tật.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, liên quan cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Chính phủ đã có Nghị định 69/2021/NĐ-CP, nhưng ngoài rà soát, cần tính toán hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhà nước. Đồng thời, khi xây dựng, cải tạo cần gắn với vấn đề quy hoạch để đảm bảo đồng bộ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận tại tổ
Tán thành việc sửa đổi Luật nhà ở, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nội dung thỏa thuận với nhà đầu tư trong việc lấy đất làm dự án dễ dẫn đến mất bình đẳng giữa các giá đền bù, vì thế nên có sự can thiệp của Nhà nước. Đại biểu cũng cho rằng, thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định vấn đề về nhà ở là phù hợp. Theo đại biểu, Nhà nước thu hồi đất sẽ đảm bảo lợi ích cho người dân. Nếu để cho người dân tự thỏa thuận, không phải người dân nào cũng có đủ năng lực để thỏa thuận với nhà đầu tư. Khi đó lại xảy ra tình trạng cùng một dự án, chỗ này đền bù giá cao, chỗ kia giá thấp, trong khi có các dự án nhà nước thu hồi đất vì lợi ích công cộng ở gần đấy lại thực hiện đền bù theo giá nhà nước, sẽ sinh ra khiếu kiện. Do đó, Nhà nước đã thu hồi đất là phải đền bù thỏa đáng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, chất lượng nhà ở tái định cư và nhà ở thương mại khác xa nhau, do đó khái niệm “nơi ở tái định cư bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” đang được dự thảo luật nêu là khó định lượng, cần cụ thể hơn.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề xuất, cần tách riêng nhà ở, đất ở, đất đai vì chế độ sở hữu về nhà ở, đất đai là khác nhau và thời hạn sử dụng nhà ở theo niên hạn, đất ở lại không thay đổi.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh đề xuất nên quy định niên hạn nhà ở xã hội để giúp cho các đối tượng được tiếp cận nhiều hơn. Ngoài ra, nên giao nhà ở xã hội cho địa phương quản lý.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai thảo luận tại tổ
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị cần đảm bảo tính đồng bộ của Luật này với các Luật liên quan. Đồng thời cân nhắc, bổ sung chế tại, hành vi bị cấm đảm bảo phát triển nhà ở một cách đồng bộ. Về cải tạo chung cư, đại biểu cho rằng cần thiết phải có niên hạn và đa dạng hóa niên hạn,…