Chiều 6/6/2023, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh - xã hội và chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.
Đại biểu dự phiên chất vấn
Chiều cùng ngày, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc với những nội dung trọng tâm, gồm:
(1) Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
(2) Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
(3) Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
(4) Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Phát biểu kết luận nội dung chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn có 99 đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn. Điều này thể hiện sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực này. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham gia trả lời làm rõ một số vấn đề liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong phiên chất vấn đã có 46 đại biểu tham gia chất vấn, trong đó 35 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu phát biểu tranh luận. Còn một số đại biểu đăng kí nhưng do không đủ thời gian nên chưa phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đề Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sối nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.
Qua Báo cáo của Chính phủ và diễn biến tại phiên họp cho thấy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trong lĩnh vực lao động, việc làm, còn không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém như trong báo cáo và các đại biểu Quốc hội đã nêu ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai
Tham gia chất vấn lĩnh vực dân tộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Nguyễn Phương Thủy và đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn trên hội trường.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, qua trả lời của Bộ trưởng, dường như việc triển khai Chương trình mục tiêu về kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc là rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy. Đại biểu chia sẻ, theo Báo cáo số 100 của Chính phủ thì còn hướng dẫn chậm, hướng dẫn sai, giải ngân kém, phải trình Quốc hội kéo dài thời hạn thực hiện theo Nghị quyết 69, huy động vốn kém. Đáng ngạc nhiên hơn, khi nói về nguyên nhân hạn chế, báo cáo của Ủy ban Dân tộc nêu là do thời tiết, do Covid-19, do biến động quốc tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có nói hết năm 2022 đã hoàn thành xong việc ban hành văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Tại Báo cáo số 100 ngày 1/4/2023 của Chính phủ đã nêu rất rõ, đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Dân tộc chưa hoàn thành ban hành 2 văn bản hướng dẫn chậm gồm Tiểu ban 1, Tiểu ban chính, Tiểu ban 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận thấy, việc ban hành Thông tư hướng dẫn nhiều nội dung còn rất chậm, một số văn bản quy định hướng dẫn nội dung các Chương trình trái quy định của pháp luật, cụ thể là trái quy định của Luật Đầu tư công, chưa có sự thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn. Đây là báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội được phát hành ngày 1/4/2023.
Do vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ trưởng cần sâu sắc hơn để đưa ra những thông tin cho cử tri cũng như đại biểu được biết.
Về cơ cấu sử dụng nguồn vốn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, trong Nghị quyết 120 của Quốc hội nêu rõ nhiệm vụ đó là tăng chi đầu tư. Các đại biểu Quốc hội khóa 14 đã nêu rõ là nguồn lực có hạn thì cần đến với người dân thông qua những sản phẩm cụ thể, hạn chế việc chi thường xuyên, trong đó hạn chế tối đa việc hội thảo, tư vấn.
Tuy nhiên, khi đọc báo cáo của Chính phủ, đại biểu nhận thấy cơ cấu này chưa hợp lý, do đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ trưởng quan tâm để trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì đến được với đồng bào dân tộc hiện nay đang sống trong điều kiện khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc phân định miền núi, vùng cao hiện nay chưa phản ánh chính xác giữa các vùng miền, địa phương cả về điều kiện, địa lý, địa hình và trình độ phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều Nghị quyết, Kết luận giao Chính phủ, cụ thể là Ủy ban Dân tộc rà soát, đánh giá, nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách, yêu cầu quản lý nhà nước. Trong đó, có việc xác định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, phân loại đô thị… Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc chậm ban hành tiêu chí phân định miền núi, vùng cao thuộc trách nhiệm của cơ quan nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ngôn ngữ - tiếng nói của một dân tộc là tài sản vô giá của mỗi dân tộc, tạo nên âm giai đa sắc, đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên đại biểu cho rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người các dân tộc không dùng, không biết ngôn ngữ của dân tộc mình. Đại biểu đề nghị cho biết quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có biện pháp gì để làm tốt hơn việc học tập sử dụng và gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc?