Ủy ban Xã hội Quốc hội khóa XV vừa ban hành văn bản số 1880/UBXH15 ngày 08/8/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 5.

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận được kiến nghị của cử tri một số tỉnh, thành phố sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (qua Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), sau khi nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri như sau:

1. Cử tri các tỉnh, thành phố Quảng Nam và Cần Thơ kiến nghị: Nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Luật Ưu đãi người có công với cách mạng (trên cơ sở nâng từ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý và hiệu quả của chính sách.

Thường trực Ủy ban Xã hội trân trọng cảm ơn cử tri đã góp ý kiến về hoàn thiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng và xin báo cáo như sau: Chính sách người có công với cách mạng luôn là một chính sách ưu đãi đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Pháp lệnh mới đã mở rộng đối tượng người có công với cách mạng được thụ hưởng chế độ, chính sách cũng như nâng mức trợ cấp đối với người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, hướng tới phấn đấu đạt mục tiêu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Việc ban hành Pháp lệnh năm 2020 là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về việc “Nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành" được Ban Bí thư quy định tại Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”.

Thực tế qua hơn 2 năm Pháp lệnh có hiệu lực thi hành, các chính sách về ưu đãi, chăm sóc người có công với cách mạng và thân nhân tiếp tục các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Đời sống của người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên, hiện nay có 99% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, 99% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.

Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thi hành Pháp lệnh, kịp thời phát hiện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi đối với người có công để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

2. Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị: Quốc hội tăng cường công tác giám sát một số bệnh viện đã xây dựng nhiều năm nhưng hoạt động không hiệu quả như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 1 ở Phủ Lý (Hà Nam)...

Qua theo dõi và làm việc với Bộ Y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, tại thời điểm năm 2014, trước yêu cầu giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức do Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 và thông báo tạm thời dừng hoạt động do một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cơ sở vật chất và nhân lực. Sau đó, khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng COVID-19.

Năm 2022, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo đó, đã giao (i) Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, trong đó có một số bệnh viện đã xây dựng nhiều năm nhưng hoạt động không hiệu quả của Bộ Y tế và một số địa phương (khoản 3 Điều 2); (ii) giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí trong năm 2023 (khoản 2 Điều 4).

Quốc hội xin ghi nhận ý kiến của cử tri và tiếp tục tăng cường giám sát, làm việc với Chính phủ và Bộ Y tế để thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 và sớm có giải pháp đối với những vướng mắc, khó khăn và xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm sai sót trong quá trình lập và triển khai dự án đầu tư ở một số bệnh viện được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả.

Nội dung trả lời tại văn bản đính kèm./.

Tuấn Dương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    717 người đã bình chọn
    Thống kê: 4.980.932
    Online: 147