Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ mười bốn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra chiều 23-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, năm 2023, Hà Nội đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng như cả nước, thành phố đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn.
Lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động
Bí thư Thành ủy đã nhấn mạnh và gợi ý một số nội dung để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.
Trong đó, về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; một năm tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức; song, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023 đã đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
“Có thể khẳng định, năm 2023, thành phố đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, như: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của thành phố; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thuộc thành phố...”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhận định.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như thành phố Hà Nội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn; do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2023 của thành phố; trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2024; đồng thời, đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế cả trước mắt và lâu dài.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố; tập trung thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công, đảm bảo sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao; trong đó, đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.
Cơ cấu lại ngân sách thành phố một cách bền vững hơn
Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân, bố trí đủ vốn cho các dự án, trong đó cần tập trung một số vấn đề như: Tính khả thi của nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2024, nguồn vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung của thành phố, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng điểm, các chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi, y tế, giáo dục, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, các dự án dân sinh bức xúc…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình trong phương án cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đồng thời rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các dự án trong kế hoạch trung hạn chưa triển khai để đề xuất giải pháp cắt giảm, điều chuyển vốn trung hạn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của thành phố, khắc phục cho được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua.
Đối với dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2024-2026, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, về tổng thể, ước thu ngân sách năm 2023 của Hà Nội vượt dự toán Trung ương giao; song, các khoản thu về nhà, đất đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu do nguồn thu phát sinh ít, đồng thời, công tác đấu giá đất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khoản thu tiền sử dụng đất dự toán năm 2024 dự kiến giao là 36.100 tỷ đồng, tăng 21.450 tỷ đồng (gấp 2,46 lần) so với ước thực hiện năm 2023 (năm 2023 giao là 17.000 tỷ đồng, ước thực hiện 14.650 tỷ đồng); gây áp lực cho cân đối thu chi của thành phố.
Để bảo đảm chủ động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi của thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá kỹ các yếu tố tác động, nhất là những khó khăn từ thị trường tài chính, khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, khả năng khai thác các nguồn lực trên địa bàn... để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2024-2026 sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đảm bảo nguyên tắc cân đối thu, chi ngân sách nhà nước.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị đại biểu bàn kỹ các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách thành phố một cách bền vững hơn; các giải pháp về quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ thuế, phí, lệ phí, nguồn lực từ đất đai, tài sản công và các nguồn lực của xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương cho phép áp dụng trên địa bàn thành phố…
Báo cáo Bộ Chính trị về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô vào tháng 2-2024
Đối với Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Hội nghị lần này, Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về kết quả nghiên cứu, lập Đồ án trước khi trình HĐND thành phố xem xét thông qua. Đây cũng là bước cho ý kiến lần cuối để Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu, hoàn thiện Đồ án trình Bộ Xây dựng và Hội đồng thẩm định nhà nước. Để đảm bảo tiến độ, thành phố dự kiến sẽ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12-2023, trình Bộ Chính trị vào tháng 2-2024.
“Lần lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lần này là rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo đúng định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Tại lần nghiên cứu này, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất 9 định hướng mới so với lần báo cáo trước. Tuy nhiên, để đảm bảo các ý kiến có tính tổng thể, bao quát, ngoài 9 nội dung đề xuất mới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá và cho ý kiến cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng tổng thể và các giải pháp trọng tâm về các nội dung như: Tính chất liên kết vùng, quốc tế của Thủ đô; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía Bắc, phía Tây thành phố; Nghiên cứu định hướng các trục không gian của thành phố; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; nghiên cứu định hướng Sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; định hướng phát triển khu vực nông thôn kết hợp với việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc các vùng văn hóa của Thăng Long - Kinh Bắc - Sơn Nam Thượng - Xứ Đoài, gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn…
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng yêu cầu
Về Dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, chương trình công tác lớn trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Chương trình số 06-CTr/TU, nhiệm kỳ Đại hội XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, như: Việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử (nhất là ứng xử nơi công cộng) chưa có chuyển biến mạnh mẽ; người đứng đầu một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn tuyệt đối hóa các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn...
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
“Đề nghị các đồng chí cho ý kiến về những nhận định, đánh giá vai trò của văn hóa, kết quả, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, công tác tổ chức thực hiện trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2024 và những năm tiếp theo, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, đồ án, chỉ thị, dự thảo nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp./.