Thực hiện chương trình của Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã giám sát, phản biện xã hội và tổng hợp thông tin, ý kiến của cử tri, Nhân dân trên địa bàn Thủ đô về các nội dung liên quan trực tiếp đến các chính sách trong Nghị quyết.
Giám sát đa dạng, phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp
Xác định việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là nội dung quan trọng cần tập trung, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành thông tri phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện Dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội và tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Dự án. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp tham gia giám sát với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội trong việc thực hiện chính sách pháp luật, việc tổ chức thực hiện các chương trình, chủ trương, chính sách của Thành phố, như: Tình hình, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; giám sát công tác cải cách hành chính; việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về đặt hàng, đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ công; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố; về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; về công tác đấu giá tài sản;...
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố giám sát việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Sóc Sơn
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và cấp xã cũng đã tổ chức giám sát 2.115 cuộc, phối hợp với chính quyền cùng cấp giám sát 5.303 cuộc tập trung và các nội dung như: Việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân; các nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân...
Tại những nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua như: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, MTTQ các cấp đã tổ chức giám sát công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tuyên truyền Nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương, chủ động thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời phần mộ để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án; thường xuyên nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; báo cáo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo không phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, giải quyết hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn được thực hiện thông qua Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại cơ sở. Với tổng số gần 17.000 cuộc, kiến nghị 1.110 nội dung và phát hiện kiến nghị cơ quan xử lý 412 vụ vi phạm, 407 công trình, dự án đã xử lý, khắc phục kịp thời. Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng 7.598 cuộc, quản lý đất đai 1.946 cuộc, thực hiện dân chủ cơ sở 2.673 cuộc và 1.192 vụ việc thuộc các lĩnh vực khác, phát huy hiệu quả thiết thực tại cơ sở.
Phản biện xã hội chất lượng
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức 07 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND thành phố Hà Nội có liên quan đến việc thực hiện các chính sách trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tác động tới nhiều tầng lớp Nhân dân và sự nghiệp phát triển của Thành phố như đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong các lĩnh vực: Giáo dục-đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường…
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và cấp xã đã tổ chức 1.402 hội nghị phản biện xã hội, nội dung tập trung vào Nghị quyết của HĐND thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và lợi ích của Nhân dân ở địa phương.
Qua tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, phản ánh cho thấy Nhân dân Thủ đô đồng tình với chủ trương ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết đã giúp doanh nghiệp và Nhân dân khắc phục được phần nào những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra; việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã có chuyển biến tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023; Các chính sách về giảm chi phí, hỗ trợ tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người đân; công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hỗ trợ người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Kiến nghị thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Qua giám sát, phản biện xã hội và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, Ủy ban MTTQ Thành phố kiến nghị Quốc hội tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó cần tập trung huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, chương trình tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách về giãn hoãn thời gian trả nợ, giảm lãi vay. Đề nghị xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2024, chú trọng đánh giá hiệu quả thực hiện so với mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động Nhân dân chung tay thực hiện, đưa các chính sách của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả…
MTTQ các cấp Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, chương trình tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn nước ngoài; hoàn thiện kết cấu hạ tầng để nâng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp. Thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào thực hiện các dự án về đô thị, du lịch, dịch vụ... Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao chất lượng công vụ, trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức,...