Chiều 2/8, HĐND TP tiếp tục chất vấn, tái chất vấn tại hội trường về lĩnh vực quản lý quy hoạch đang được cử tri quan tâm.

 

Giám đốc Sở QHKT Lê Vinh trả lời chất vấn tại hội trường

Liên quan đến vấn đề quản lý quy hoạch, trình bày trước HĐND TP, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Lê Vinh cho biết, đối với quy hoạch phân khu Hồ Gươm, đây là khu vực có vai trò quan trọng vì gắn với di tích Hồ Gươm, vì vậy, trong quá trình triển khai, Sở đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia, xin ý kiến của các bộ, ngành để làm định hướng; đến nay, quy hoạch đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện để trình UBND TP.

Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm việc chỉnh trang từ đường Lê Trọng Tấn, TP đã tiến hành hành mời tư vấn thiết kế có kinh nghiệm từ các tập đoàn danh tiếng nước ngoài. Trong những tháng gần đây, Hồ Gươm cũng đang được bổ sung, cắt tỉa cây xanh, để xứng đáng với xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Liên quan đến câu hỏi khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cao tầng có xác định hạ tầng xã hội hay không, Giám đốc Sở QHKT Lê Vinh cho biết: Các khu đô thị được chia thành 2 mảng. Với các khu đô thị mới, thông qua quá trình kiểm tra chặt chẽ nên quy hoạch, thiết kế đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội. Với các khu đô thị nằm trong diện cải tạo, do quá trình phát triển nên thiếu hệ thống hạ tầng xã hội. TP đã rà soát, trên cơ sở quỹ đất còn khai thác được đều ưu tiên làm hạ tầng xã hội như xây nhà trẻ, các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Qua rà soát, TP đã có văn bản xác định 184 điểm để xây dựng trường học tại những khu vực cải tạo.

Đối với quy hoạch ven sông Hồng, Giám đốc Sở QHKT cho biết theo quy hoạch chung của TP, sông Hồng nằm trong trục cảnh quan chính và được quan tâm chú trọng trong rất nhiều dự án. Khó khăn lớn nhất ở đây chính là luật cấm sự phát triển bên ngoài đê, trong khi trên thực tế, hiện tại ước lượng có khoảng 250 nghìn dân đang sống tại khu vực này. Đây cũng chính là vướng mắc trong quá trình cải tạo. Giám đốc Sở QHKT cũng cho biết thêm, quá trình lấy ý kiến của các bộ, ngành cũng gặp nhiều khó khăn, không thể phê duyệt được. Đầu năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt quy định mở, cho phép một số khu dân cư được khai thác. Các nguồn xã hội hóa và trợ giúp quốc tế cũng đã được kêu gọi để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng tại khu vực bãi sông Hồng.

Về di dời các trụ sở, cơ quan, trường học gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, Giám đốc Lê Vinh cho biết, theo định hướng chung, tất cả cơ sở gây ô nhiễm sẽ phải di dời ra ngoài nội đô. Để làm được việc này, Thủ tướng giao các bộ, ngành và UBND TP Hà Nôi phối hợp thực hiện. UBND TP đã chỉ đạo quyệt liệt các sở: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc… tiến hành rà soát, xếp hạng các cơ sở này để thực hiện di chuyển. Hiện nay, đã rà soát được khoảng 117 cơ sở đưa vào diện di chuyển và đã di chuyển 26 cơ sở. Quỹ đất sau khi di chuyển các cơ sở được phục vụ chủ yếu cho việc bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu trong nội đô. Thực tế, hiện nay, mới di chuyển được 2 bệnh viện (BV Nội tiết, BV K), trụ sở các ngành đã và đang chuẩn bị di chuyển. Quỹ đất của khối bộ, ngành không phải do Hà Nội quản lý, vì vậy việc thực hiện gặp khó khăn.

 

Đại biểu Đoàn Việt Cường nêu câu hỏi tại phiên chất vấn

Mở đầu phiên chất vấn liên quan đến quy hoạch, đại biểu Đoàn Việt Cường ( tổ đại biểu huyện Mê Linh) đề nghị UBND Thành phố cho biết chính xác có bao nhiêu cơ sở sản xuất  công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, sau di dời đã ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội theo quy định Luật Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và QĐ 130 của Thủ tướng Chính phủ?

Bởi lẽ, qua ý kiến của Cử tri có hàng trăm hecta đất, hậu di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp lại trở thành những dự án khu đô thị, khu chung cư cao tầng mọc lên. Một số vị trí còn lại một phần được chuyển sang xây dựng trường học nhưng đều có diện tích nhỏ, chỉ đủ xây dựng trường mầm non. Đáng nói, địa điểm cơ sở sản xuất di dời đều nằm ở các nút cửa ngõ giao thông quan trọng vào nội thành nhưng nay đã “biến” thành các khu đô thị. Có những dự án có quy mô dân số gần bằng một quận… dẫn đến tăng dân số cơ học, phương tiện đột biến. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông nội đô. Đồng thời, Cử tri lo lắng cho rằng Hà Nội đã “bội thực” về nhà ở, đường xá “bội thực” về phương tiện giao thông và môi trường sống “bội thực” ô nhiễm…

UBND Thành phố cho biết các cơ sở sản xuất đã di dời đi theo quy hoạch nhưng việc sử dụng trở lại những diện tích đất đó liệu có theo đúng quy hoạch không? Đúng theo quy định của Luật và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ không?

Đại biểu  Nguyễn Hoài Nam (tổ đại biểu huyện Thạch Thất) cho rằng, khu vực Hồ Gươm rất nhạy cảm, vậy, TP căn cứ nào để xây dựng công trình tại số 30-36 Lê Thái Tổ?  Khu phụ cận Hồ Gươm cũng rất quan trọng, UBND TP cho biết thêm về dự án Tân Hoàng Minh tại khu phụ cận Hồ Gươm? Đại biểu đề nghị UBND TP cho biết, công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm gần Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã sử dụng đúng mục đích chưa khi trưng bày sản phẩm gốm Chu Đậu? Diện tích đất hai cơ sở đã di dời ra khỏi nội đô phục vụ cho dự án nào? Ở đâu? Có dự án nhà ở không? Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Thuý Hằng nêu câu hỏi với mục tiêu giảm dân số trong khu vực nội đô từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu thì việc thời gian qua một số dự án nhà cao tầng cũng như dự kiến sẽ sửa chữa, cải tạo khu chung cư cũ có làm tăng dân số trong nội đô không? TP sẽ có giải pháp cụ thể nào để thực hiện chủ trương này?

 

Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng nêu câu hỏi tại phiên chất vấn

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở QHKT Lê Vinh cho biết, có 117 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong diện di dời, tới nay, đã di dời 26 cơ sở với tổng diện tích là 45 ha. Quỹ đất này sẽ được phân bổ cho trường học 7,7 ha, cây xanh 5,6 ha, còn lại là nhà ở và các công trình công cộng. Trong thời gian tới, quỹ đất di dời sẽ tiếp tục được chuyển đổi theo nhu cầu xã hội. Về dự án Intimex, Giám đốc Sở QHKT khẳng định dự án này chưa được phê duyệt và đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, vì đây là một công trình tương đối nhạy cảm. Đối với dự án Tân Hoàng Minh, hiện, chủ đầu tư đã chấp nhận phương án cũ đã được phê duyệt, chỉ xây dựng công trình 8 tầng tại vị trí này.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đã giải trình thêm đối với câu chất vấn của đại biểu Nguyễn Hoài Nam về công trình Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ. Theo đó, Trung tâm này đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng gần một năm nay và đang trong quá trình thử nghiệm để triển khai. Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định, Trung tâm này không thuộc ranh giới khu di tích Quốc gia đặc biệt, một phần bề mặt thuộc Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Công trình có 3 tầng, trong đó, tầng 1 có tính chất không gian mở, mật độ xây dựng 30%, mật độ trống 70%, là nơi diễn ra hoạt động trưng bày theo kỳ cuộc, như trưng bày ảnh, hội hoạ, thông tin lịch sử Hồ Gươm và các khu vực văn hoá vùng Thủ đô.

Cũng theo Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, vừa qua, UBND quận đã cho phép triển khai triển lãm văn hoá gốm Chu Đậu thuộc tỉnh Hải Dương, trên cơ sở phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro để quảng bá gốm Chu Đậu, là sản phẩm văn hoá cơ bản của vùng Thủ đô.  Gần đây, UBND TP có chỉ đạo toàn bộ khu vực Hồ Gươm sẽ phát triển không gian đi bộ vào 3 tối cuối tuần. Trong quá trình nghiên cứu, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các sở ngành sẽ đưa công trình số 2 Lê Thái Tổ vận hành với chức năng để đáp ứng mở rộng không gian đi bộ tại khu vực Hồ Gươm.

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, trong tương lai gần, khi phát triển khu vực Hồ Gươm thành không gian đi bộ, công trình sẽ là hạt nhân phát triển hoạt động văn hoá và hạ tầng du lịch như đúng tính năng của nó. Công trình này đã được cơ quan Trung ương đồng thuận và Thường trực Thành uỷ thông qua.

Kết luận phiên chất vấn về quy hoạch, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, 5 năm vừa qua là khoảng thời gian TP làm quy hoạch, Hà Nội đã có nhiều chuyển biến và quyết tâm lập các quy hoạch. TP đã tập trung vào hoàn chỉnh các quy hoạch, xây dựng được 37 quy hoạch ngành, 30 quy hoạch phân khu, ban hành 40 quyết định quản lý các quy hoạch, và TP đã có nhiều giải pháp quản lý các quy hoạch đã phê duyệt. Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục rà soát các quy hoạch đang trình các cấp theo đúng quy định. Về vấn đề quản lý quy hoạch, cần phân cấp, phân công trách nhiệm cho rõ ràng vì trên địa bàn có cơ quan Trung ương và Hà Nội; đồng thời cần thực hiện đúng quy hoạch đã phê duyệt và HĐND cần thực hiện giám sát chặt chẽ vấn đề này.

QUỐC THỊNH - DUY LINH - HỒNG CƯỜNG


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.912.476
    Online: 34