Chiều 11/5, Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố làm Trưởng đoàn đã giám sát tại quận Nam Từ Liêm về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của HĐND Thành phố về việc thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thu đô đến năm 2020, tâm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đ/c Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách phát biểu tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, quy mô, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú với 91 trường học, 1 Trung tâm và 54.521 học sinh công lập và ngoài công lập theo học. Cụ thể, trẻ 5 tuổi ra lớp, học 2 buổi theo chương trình giáo dục Mầm non mới đạt tỷ lệ 100%. 10/10 phường hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt 100%. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9% vượt 1,9% so với quy định. Học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 (2 hệ) đạt 99,23% vượt 4,23%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 là 98,56%. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của nhân dân 100% phường đã có Trung tâm học tập cộng đồng. 100% học sinh tốt nghiệp THCS chưa học THPT vào học chương trình giáo dục thường xuyên.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, dù quỹ đất dành cho xây dựng trường học công lập trên địa bàn quận Nam Từ Liêm rất hạn hẹp, nhưng xác định ưu tiêu hàng đầu cho giáo dục, quận đã xây dựng mới 14 trường công lập với 298 lớp, tổng kinh phí gần 905 tỷ đồng. Trong đó, khối Mầm non xây mới 7 trường, Tiểu học là 5 trường và THCS là 2 trường. Các trường học trên địa bàn đã làm công tác xã hội hóa được xấp xỉ 18 tỷ đồng để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đạt trình độ cơ bản quản lý nhà nước về giáo dục. Đến giai đoạn 2016 - 2020, quận sẽ thực hiện xây dựng 7 trường Mầm non công lập với 134 lớp; 2 trường Tiểu học công lập với 60 lớp; 6 trường THCS công lập với 129 lớp; 2 trường THPT công lập với 60 lớp. Theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quận bố trí xây dựng trường học công lập đáp ứng nhu cầu tăng dân số cơ học của các phường trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi làm tại quận Nam Từ Liêm
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đơn vị đối với công tác quy hoạch của quận Nam Từ Liêm. Trong quá trình triển khai quận đã có những kết quả ấn tượng về giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh nên diện tích đất nhiều trường không đảm bảo. Kinh phí hạn chế, các trường được đầu tư xây dựng chỉ xây mới một số hạng mục, còn lại sửa chữa, nâng cấp các phòng cũ do đó diện tích các phòng học phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu hiện nay.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu quận cần rà soát tất cả nội dung quy hoạch theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo chất lượng và đủ về số lượng. Trưởng đoàn giám sát cũng yêu cầu quận tiến hành xây dựng trường đạt chuẩn ngay khi triển khai xây dựng trường mới. Làm tốt các mặt phục vụ cho công tác giáo dục như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tạo điều kiện về nguồn lực để quận Nam Từ Liêm thực hiện tốt Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND Thành phố.
Duy Linh