Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong ngày khai mạc, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tiếp đó, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại Tổ; Tổng thư ký Quốc hội đã gửi gợi ý thảo luận đến ĐBQH tại Hội trường, đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch. Trong quá trình thảo luận, Đoàn Chủ tịch cũng sẽ mời các thành viên Chính phủ giải trình làm rõ vấn đề mà ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh
Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội có 14 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng do thời gian có hạn nên có 4 đại biểu được phát biểu trực tiếp tại Hội trường: Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Trần Thị Quốc Khánh, Trần Thị Phương Hoa và Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao những nỗ lực điều hành và quyết tâm thực hiện của Chính phủ trong thời gian vừa qua, đại biểu tham luận thêm về vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết những vụ việc khiếu kiện đông người. Đề xuất giải pháp đối với Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm góp phần kéo giảm đơn thư và số vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người vượt cấp và kéo dài.
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan hành chính, nhất là ở cấp cơ sở về tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải coi đây là một trọng tâm công tác, việc làm thường xuyên đòi hỏi sự đầu tư về mọi mặt, phải tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những địa phương có nhiều đơn thư.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác này. Có bước đột phá trong việc tuyển chọn, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra và tiếp công dân.
Thứ ba, xác định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, cấp huyện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì trên thực tế hầu hết các đơn thư thuộc thẩm quyền trước hết của cấp huyện và cấp xã và đơn tố cáo hiện nay chủ yếu cũng tố cáo cán bộ ở hai cấp này. Cần quy định chế tài cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm không làm hết trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ cần coi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chí quan trọng.
Thứ tư, duy trì đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện nhân dân sớm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề nhân dân bức xúc để tập trung giải quyết. Đây là hình thức đối thoại chủ động, được nhân dân đồng tình ủng hộ nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đồng thời giải quyết được rất nhiều việc cho dân, có thể biến những việc to thành nhỏ, việc nhỏ thành không có. Thay bằng việc hiện nay nhiều nơi chúng ta phải đối thoại thụ động, tức là khi có tình huống của dân, chúng ta tiến hành đối thoại. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì giao ban trực tiếp về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo một năm từ 1 đến 2 lần.
Thứ năm, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhất là pháp luật về đất đai, tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo về lâu dài hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo và đất đai theo hướng chuyển dần các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bởi Tòa án là biểu tượng của lẽ công bằng và có bộ máy chuyên nghiệp để giải quyết đơn thư, thay vì việc các cơ quan quản lý hành chính đang giải quyết như hiện nay.
Thứ sáu, xử lý nghiêm những đối tượng kích động, lôi kéo nhân dân tham gia khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự, tuyên truyền, vận động, giải thích, xử lý những công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tôi mong muốn cùng với các chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, để Chính phủ quyết tâm thực hiện bằng được các giải pháp nhằm kéo giảm các đơn thư và các vụ việc. Đây là yếu tố rất quan trọng để góp phần ổn định chính trị, xã hội, để chúng ta thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa cho rằng thời gian qua, Chính phủ cũng đã chậm ban hành một số văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả triển khai một số dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững. Việc chậm ban hành các văn bản như vậy đã ảnh hưởng lớn đến chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ nên đánh giá nguyên nhân của việc chậm chễ này và đưa vào phần tồn tại trong báo cáo.
Về an toàn thực phẩm, đây là vấn đề nóng được nhân dân quan tâm thường xuyên, hàng ngày. Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt về vấn đề này. Tuy nhiên, các bộ, ngành có liên quan đến nay vẫn chưa ban hành đủ các quy định về sản xuất chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Nên việc sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến thực phẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời, dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn ở nhiều nơi.
Về công tác cai nghiện ma túy còn nhiều bất cập, tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng ngày càng phức tạp. Chính phủ cần có sự chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp để hạn chế những tiêu cực biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội, nhất là tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em trong thời gian vừa qua. Đối với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra trong thời gian vừa qua có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý, sinh lý cho nạn nhân, nhiều vụ còn ảnh hưởng đến tính mạng của các em, tạo bức xúc trong các gia đình và nhân.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằngnhững năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đa dạng sinh học ngày càng suy kiệt, cũng như vấn đề lún sụt, sảt lở ở các bờ sông đe dọa cuộc sống của người dân và bức xúc trong xã hội ngày càng nhiều. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân chúng ta thấy đây là "nhân tai" chứ không phải do "thiên tai". Do những sai lầm, những buông lỏng quản lý nhà nước ở các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở. Có tình trạng ở địa phương này cho khai thác cát nhưng địa phương khác thì bị lún sụt bờ sông, địa phương này cho xây dựng các công trình dự án, ở địa phương khác bị ô nhiễm.
Chính vì thế đề nghị Chính phủ trước tình hình này cần phải quan tâm đầu tư phát triển, ở đây phải có một chính sách. Ở đây vấn đề tính liên vùng là rất lớn, không thể nào chúng ta chỉ đầu tư cho tỉnh này, tỉnh kia, chúng ta phải có tính liên vùng ở đây, phải phát huy lợi thế, thế mạnh của cả vùng. Đặc biệt, phải quan tâm đầu tư cho vấn đề giao thông thủy nội địa. Có thể có những đơn vị giao thông thủy nội địa mạnh nhất ở đây để mình phát huy được tiềm năng thế mạnh. Với một nền đất yếu và sông nước nhiều, chúng ta xây cầu thì không thể nào thuyền bè đi qua được.
Cho nên đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo các tỉnh ở đây phải tập trung thống nhất, không thể để tình trạng như vừa qua. Đề nghị là các cấp chính quyền chúng ta nguồn lực có hạn nhưng phải tập trung và phát huy thế mạnh, lợi thể để phát triển du lịch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằngChính phủ vừa qua đã có chiến lược về phát triển du lịch nhiều địa phương như ở Hà Nội gần đây có nhiều đổi mới đột phá để phát triển du lịch. Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ trưởng và toàn ngành du lịch Việt Nam đã có tăng trưởng nhanh, liên tục, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước và là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà còn gặp nhiều khó khăn. Du lịch tăng trưởng mạnh tác động tích cực đến phát triển của nhiều ngành như giao thông vận tải, công thương, thông tin truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn và đóng góp lớn cho tăng trưởng quốc tế. Đề nghị ngay từ cuối năm 2017 Chính phủ tạo điều kiện để ngành du lịch phát triển quảng bá các di sản cảnh quan thiên nhiên du lịch văn hóa, du lịch tâm linh để thu hút khách trong nước và nước ngoài nhiều hơn nữa. Chú trọng đẩy mạnh các dự án đầu tư hạ tầng du lịch như giao thông tiện ích đô thị chắc chắn sẽ đưa ngành du lịch lên bước phát triển mới để góp phần vào tăng trưởng chung của phát triển kinh tế-xã hội.
NGỌC ÁNH.