Cách nay 72 năm, trước một ngày diễn ra cuộc bầu cử lịch sử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ kính yêu đã có Lời kêu gọi nhằm cổ vũ đồng bào cả nước hăng hái tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của một nước Việt Nam độc lập, có quyền tự quyết vận mệnh và dựng xây tương lai.
|
Thường trực HĐND TP Hà Nội giám sát tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Hữu Tiệp |
Trong Lời kêu gọi (ngày 5-1-1946), Người đã dạy: “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”. Cũng vào chiều 5-1-1946, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Bác Hồ đã lưu ý: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung".
Những lời nhắn nhủ của Bác Hồ thực sự là tầm tư duy vượt lên thời đại và bối cảnh lịch sử của đất nước vào thời điểm đó, góp phần mang lại thành công cuộc bầu cử năm 1946, tạo mốc son trong lịch sử đưa nước nhà bước vào nền dân chủ nhân dân. Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, Bác Hồ đã sống một cuộc sống bình dị, gần gũi với các tầng lớp nhân dân, nêu tấm gương mẫu mực về sự hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đi tới đâu, Người cũng luôn căn dặn mọi người phải vượt ra ngoài chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, đặng đóng góp sức mình cho đất nước thống nhất, phồn vinh, hạnh phúc.
Tư tưởng vì dân, thương yêu, quý trọng dân, luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân của Hồ Chí Minh nhiều chục năm qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Thủ đô khắc ghi và thực hành tinh thần phụng sự nhân dân. Gần đây nhất, ngay sau Đại hội XVI của Đảng bộ TP Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 9 Chương trình hành động, bao quát toàn diện các lĩnh vực: Quan tâm công tác giáo dục tư tưởng chính trị, xây dựng văn hóa, chăm lo giáo dục, sức khỏe và an sinh cho người dân, thu hút du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hạ tầng giao thông, quy hoạch kiến trúc, cải cách hành chính…
Đó là cơ sở chính trị để Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành điều hành bộ máy hành chính công hoạt động tăng tốc theo tinh thần kiến tạo, phục vụ nhân dân. Để thúc đẩy việc đưa 9 Chương trình trọng điểm, có tính đột phá của Đảng bộ Hà Nội vào cuộc sống, công tác giám sát của HĐND TP Hà Nội đã có nhiều tìm tòi, chủ động, sáng tạo, bứt phá trong đổi mới nội dung, phương thức giám sát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 77 nghị quyết chuyên đề được HĐND TP Hà Nội ban hành; với 17 nghị quyết giám sát về lĩnh vực kinh tế chung; 28 nghị quyết giám sát về lĩnh vực ngân sách; 5 nghị quyết giám sát về lĩnh vực đô thị.
Thường trực HĐND thành phố đã giám sát 9 cuộc (theo Nghị quyết về chương trình giám sát thì HĐND có 8 cuộc và 1 cuộc phát sinh theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy), đó là: (1) Giám sát về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; (2) Giám sát tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2016; (3) Giám sát về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2012 của HĐND thành phố về Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; (4) Giám sát về tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố thực hiện Chỉ thị 09 của Thành ủy; (5) Giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục các cấp của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; (6) Giám sát về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 theo Nghị quyết của HĐND thành phố; (7) Giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; (8) Giám sát về tiến độ, kết quả triển khai một số dự án đầu tư chậm triển khai theo kiến nghị của cử tri huyện Ba Vì (Dự án xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên thuộc Khu du lịch hồ Suối Hai, Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, Dự án đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ); (9) Giám sát về giải quyết khiếu nại tố cáo, kết quả thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo đã có hiệu lực trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Ban Kinh tế - Ngân sách đã có 22 cuộc giám sát; Ban Đô thị có 18 cuộc; Ban Văn hóa - Xã hội có 21 cuộc; Ban Pháp chế có 28 cuộc. Nhìn chung các cuộc giám sát đều bám sát vào những vấn đề lớn, trọng tâm, đang được cuộc sống đặt ra, được các cử tri Thủ đô quan tâm; chất lượng, hiệu quả giám sát bảo đảm tính thiết thực, trở thành một kênh không gì thay thế được đối với việc đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, là nhịp cầu nối giữa lòng dân với ý Đảng.
Nhờ vậy mà người dân cảm thấy lá phiếu bầu cho các đại biểu HĐND TP Hà Nội thực sự có giá trị của lòng tin. Tại các kỳ họp HĐND TP Hà Nội, việc giải trình cũng được chú trọng. Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 3 phiên giải trình: Ngày 12-9-2017, phiên giải trình công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành trên địa bàn TP Hà Nội; ngày 15-3-2018, phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn; ngày 13-8-2018, phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.
Các phiên giải trình cũng như kết quả giải trình chuyên đề đều được truyền hình trực tiếp và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố; qua đó, người dân Thủ đô có thêm cơ hội phản biện, giám sát để xem những kiến nghị, đề xuất của cử tri được xử lý, giải quyết ra sao. Trước năm 2018, chưa có Tổ đại biểu HĐND thành phố nào thực hiện hoạt động giám sát. Nhưng năm 2018, Thường trực HĐND đã có văn bản điều hòa, hướng dẫn hoạt động giám sát và tổng hợp, công bố công khai lịch giám sát của tất cả các Tổ đại biểu HĐND thành phố từ đầu năm. Theo đó, các Tổ đại biểu đăng ký 55 cuộc giám sát, tập trung chủ yếu vào hoạt động giám sát công tác giải quyết kiến nghị cử tri, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo và giám sát về một số hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh bức xúc trên địa bàn. Đến nay, các Tổ đã tiến hành được 15 cuộc giám sát, tập trung nhiều về lĩnh vực kinh tế và giải quyết kiến nghị cử tri.
Những hoạt động đa dạng, thiết thực như trên đã và đang chứng tỏ HĐND TP Hà Nội ngày càng đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc, đúng tư tưởng Hồ Chí Minh rằng, mọi quyền lực đều ở nhân dân, mọi lợi ích đều cho nhân dân. Nhờ vậy, niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã và đang được bồi đắp, là cơ sở chính trị, xã hội cho Thủ đô vươn tới tầm cao mới trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
PGS.TS Trần Viết Lưu (Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Tuyên giáo Trung ương)