Sáng 5/10, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND thành phố giám sát kết quả thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri và quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay tại huyện Đông Anh. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; đồng chí Trịnh Minh Thạo - Vụ trưởng Vụ địa phương 3, UBKT Trung ương và các đồng chí Trưởng, Phó các Ban HĐND Thành phố; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh báo cáo kết quả thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri và quyết định giải quyết khiếu nại trên địa bàn huyện Đông Anh

Theo Báo cáo của huyện Đông Anh từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND Thành phố trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc, mọi vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đều được tổng hợp, phân loại và chuyển tới cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu và công tác tổ chức tiếp xúc cử tri đã đi vào nề nếp, đã được thực hiện bảo đảm đúng quy định có chú ý cải tiến nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri, mở rộng phạm vi địa bàn, đối tượng tiếp xúc, thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời cho cử tri. Hàng tháng, hàng quý, Tổ đại biểu Đại biểu HĐND Thành phố tại Huyện thực tiếp công dân theo lịch, trên cơ sở đó nắm bắt kịp thời các kiến nghị của nhân dân, đồng thời chỉ đạo, giám sát đối với các nội dung mà các đại biểu HĐND Thành phố tiếp nhận.

Việc khiếu nại trên địa bàn huyện Đông Anh có biến động theo chiều hướng tăng dần theo từng năm, tố cáo có chiều hướng giảm (năm 2016 khiếu nại 12 vụ, năm 2017 khiếu nại 46 vụ, 9 tháng đầu năm 2018 là 66 vụ). Nguyên nhân là do Thành phố Hà Nội có Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 08/01/2012 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020, định hướng 2030, định hướng xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc Sông Hồng; nhiều dự án đang và sẽ được triển khai đồng loạt trên địa bàn. Do vậy, việc thu hồi đất cho các dự án đầu tư nhiều. Quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót. Đây cũng là nguyên nhân làm phát sinh các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời gian qua tại Huyện. Mặt khác, trong nội bộ nhân dân còn xảy ra những tranh chấp về đất đai cũng đã dẫn đến đơn thư khiếu kiện của người dân.

Tổng số vụ việc UBND huyện Đông Anh đang tổ chức thực hiện là 11 vụ việc (trong đó kết luận do Thành phố ban hành là 03 vụ, đã thực hiện xong 01 vụ -Kết luận số 06/KL-UBND ngày 16/6/2016, còn 02 vụ đang tiếp tục tổ chức thực hiện; kết luận sau thanh tra công vụ, quyết định giải quyết khiếu nại thông báo kết luận tố cáo chưa giải quyết dứt điểm là 08 vụ, đã tổ chức thực hiện xong 02/8 vụ -Kết luận số 33/KL-UBND và kết luận số 16/KL-UBND, còn 06 vụ đang tiếp tục tổ chức thực hiện).

Đồng chí Trịnh Minh Thạo, Vụ trưởng Vụ địa phương 3, UBKT Trung ương phát biểu tại buổi giám sát

Tổng số quyết định phải tổ chức thực hiện: 04 quyết định. Số quyết định đã thực hiện xong dứt điểm: 02 quyết định (Quyết định số 7921/QĐ-CTUB ngày 14/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Mạnh Cường trú tại xóm Thượng, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội; Quyết định số 7921/QĐ-CTUB ngày 14/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Mạnh Cường trú tại xóm Thượng, xã Cổ Loa, Đông Anh). Số quyết định đang tổ chức thực hiện: 02 quyết định (Quyết định giải quyết khiếu nại số 1709/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Văn Thăng trú tại Chợ Kim, Xuân Nộn; Quyết định giải quyết số 6477/QĐ-UBND ngày 15/9/2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại của bà Trần Thị Diên trú tại Tiên Dương, Đông Anh).

Trong 18 thông báo kết luận giải quyết tố cáo phải tổ chức thực hiện, huyện đã thực hiện xong 8, còn 10 kết luận đang được tổ chức thực hiện, chủ yếu về đất đai, trật tự xây dựng (trong đó 3 kết luận thuộc thẩm quyền của TP). Bên cạnh đó, có 19 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, đến nay huyện đã giải quyết, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền 12 vụ, còn 1 vụ đang đề nghị Thành ủy đưa khỏi danh sách và 6 vụ đang được UBND huyện tập trung giải quyết. 

Qua các ý kiến từ huyện, sở, ngành, Đoàn giám sát cho rằng, với đặc thù địa bàn phức tạp, Đông Anh có nhiều cố gắng trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều vụ việc tồn đọng, thực tế cũng do trong nhiều vụ việc dù huyện đã làm hết trách nhiệm, nhưng lại bị tồn ở một số sở ngành do chưa tích cực giải quyết; nhiều dự án huyện đã mời chủ đầu tư ra làm việc nhưng họ không hợp tác… Trưởng Ban Kinh tế  -Ngân sách HĐND Thành phố Phạm Thị Thanh Mai dẫn chứng, trong 27 ý kiến kiến nghị của cử tri tại huyện đã được Thành phố, giao các sở, ngành giải quyết và có trả lời, đến nay vẫn còn nhiều kiến nghị nằm ở một số sở, ngành chưa được giải quyết, trả lời thỏa đáng.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi giám sát

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá: Đông Anh là huyện có quy mô diện tích và dân số rất lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng nhờ có sự đoàn kết cao trong cả hệ thống. Song tới đây, huyện cần làm tốt việc dự báo, quan tâm từ các kiến nghị của cử tri, khi huyện đang trong lộ trình tiến lên thành quận, tình hình sẽ rất phức tạp liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường… Quan trọng nhất là phải phân công rõ nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc huyện, hay chỉ rõ thuộc thẩm quyền của sở, ngành chức năng, gắn với cam kết tiến độ hoàn thành.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận buổi giám sát

Kết luận tại buổi giám sát Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ nổi bật của HĐND Thành phố. Sau đợt giám sát này, Thường trực HĐND Thành phố sẽ có kiến nghị các cấp, các ngành có giải pháp đẩy nhanh giải quyết những vụ việc tồn đọng, nếu vẫn không thực hiện, chỉ rõ trách nhiệm thuộc cá nhân, đơn vị nào, tiến độ bao giờ xong. HĐND sẽ có cách xử lý với từng vụ việc cụ thể. “Đề nghị Ban Pháp chế và các đơn vị liên quan thống nhất lại về số liệu, phân loại vụ việc, các vụ còn lại thuộc trách nhiệm ở đâu, để sau đó HĐND Thành phố có báo cáo thống nhất, làm việc cụ thể với UBND Thành phố và ban hành một nghị quyết về công tác này của Thành phố”. Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đông Anh rất coi trọng, quyết liệt trong công tác này, nên trong 1 năm qua đã giải quyết khoảng 40% tổng số các ý kiến kiến nghị của cử tri, quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực và các vụ việc thuộc Nghị quyết 15, trong đó lãnh đạo huyện thể hiện nắm chắc vấn đề, phân công phân nhiệm rõ ràng cho các đơn vị, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị huyện chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri theo hướng rõ ràng, hiệu quả, trách nhiệm hơn; đánh giá đúng tình hình để không chủ quan. Tính trung bình, mỗi năm huyện giải quyết được 40% vụ việc khiếu nại, tố cáo nói chung nhưng trong đó số khiếu nại lại tăng tới 50%, như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi quyết tâm, nhận thức đúng tình hình để có cách chỉ đạo cho đúng, quy trách nhiệm rõ và giải quyết ngay từ cơ sở, từ người đứng đầu cơ sở phải nêu cao trách nhiệm và coi đây là tiêu chí quan trọng đánh giá thi đua. Huyện cũng cần đề ra lộ trình thực hiện cụ thể, vụ việc nào thuộc thẩm quyền của sở, ngành thì cũng phải đeo bám. “Cả hệ thống phải vào cuộc mà đứng đầu là Bí thư, Chủ tịch huyện. Với từng vụ việc cần có cách làm riêng, nhưng đều phải trên tinh thần đổi mới cách điều hành của chính quyền các cấp theo hướng công khai, minh bạch, bám sát lắng nghe sát dân, thực hiện đúng luật”, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ và yêu cầu: Với các vụ việc còn lại, huyện cần rà soát phân loại, phân công phân nhiệm và có lộ trình rõ ràng, không để phát sinh vụ việc mới, giải quyết ngay từ cơ sở. Trong quá trình đó, huyện cần phối hợp chặt chẽ hơn với các sở ngành để thúc tiến độ; ngược lại các sở, ngành cũng phải quyết liệt vào cuộc, từ tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND Thành phố. 

Duy Linh, Văn phòng HĐND TP


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    788 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.864.240
    Online: 101