Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn băn khoăn về chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát, điều tra các vụ án hình sự
Tại phiên thảo luận về ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đánh giá cao Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều biện pháp đồng bộ giải quyết một khối lượng công việc rất lớn để phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và xử án đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự chính trị và an toàn xã hội, tuy nhiên đại biểu cũng đã nhấn mạnh những hạn chế, tồn tại như: Một số trường hợp có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Một số thẩm phán trong quá trình giải quyết án, tuyên bản án không đúng pháp luật dẫn đến bản án bị tòa có thẩm quyền hủy, sửa do có kháng cáo, kháng nghị …
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh Minh Tú)
Các vụ việc vi phạm kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới được phát hiện, cụ thể, nhóm lợi ích, "tổ chức bình phong" vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Đó là công tác quản lý nhà nước về tài sản công, nhất là nhà, đất công còn lỏng lẻo, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của nhà nước. Đó là công tác quản lý người nghiện ma túy, người tâm thần còn thiếu chặt chẽ, nhiều sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, tình trạng học viên ở các cơ sở cai nghiện ma túy trốn trại. Đó là việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội. Đại biểu mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, tập trung nghiên cứu, tìm cách giải quyết triệt để.Đại biểu rất băn khoăn về chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát, điều tra các vụ án hình sự, nội dung này đại biểu đã chất vấn trực tiếp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về một số vụ án thay đổi tội danh nhiều lần, “như vậy có liên quan đến chất lượng điều tra hay không?” đại biểu nêu câu hỏi. Chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng của quá trình điều tra. Theo báo cáo thẩm tra của ủy ban Tư pháp thì có 2.343 vụ án tòa án nhân dân trả hồ sơ và Viện kiểm sát nhân dân chấp nhận điều tra bổ sung lại 1.590 vụ, trong đó có 105 vụ tòa trả hồ sơ vì lý do giai đoạn điều tra, truy tố, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Như vậy, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm soát điều tra của Viện kiểm sát nhân dân đối với một số vụ án còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đáng lưu ý, có đến 39,2% số vụ án Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm soát điều tra, sau đó phân công cho Viện kiểm sát nhân dân địa phương thực hành quyền công tố và kiểm soát xét xử sơ thẩm bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong khi đó, đây là những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp thụ lý giải quyết nhưng bị trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung với số lượng lớn như vậy và công việc này cũng kéo dài nhiều năm, đã được Ủy ban Tư pháp báo cáo vào năm 2016, 2017 nhưng chậm được khắc phục. Điều này cũng cho thấy chất lượng điều tra và kiểm soát điều tra tại các cơ quan tư pháp Trung ương chưa được giải quyết triệt để. Đại biểu băn khoăn đến chất lượng của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát, xét xử. Qua theo dõi rất sát các phiên tòa, đặc biệt cử tri quan tâm đến những phiên tòa nổi cộm, cho thấy chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên toàn chưa thuyết phục, chưa đạt yêu cầu, theo phản ánh có nhiều kiểm sát viên chưa chủ động tranh luận để làm rõ căn cứ buộc tội và các tình tiết khách quan khác của vụ án, không đưa ra được chứng cứ hoặc đối đáp một cách thuyết phục những vấn đề mà bên bị buộc tội hoặc luật sư bào chữa đưa ra. Đại biểu mong muốn Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ đưa ra những giải pháp tích cực để giải quyết, nâng cao chất lượng của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát, xét xử.