Chiều 12.11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Sáu, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Đa số đại biểu đều tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật để đáp ứng tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu đặt ra đối với luật sửa đổi toàn diện phải khác cơ bản đối với luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ dự án Luật đã được bổ sung, nhưng nhìn chung vẫn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của nhiều chính sách, nội dung mới, quan trọng, cơ bản, trong đó có trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Để đáp ứng yêu cầu mở rộng phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động đối với chính sách bổ sung mới. Qua xem xét dự thảo Luật, ý kiến của các cử tri, đại biểu thống nhất với Ủy ban Tư pháp là dự án Luật cần được hoàn thiện để đảm bảo chất lượng, tính khả thi và mong muốn của cộng đồng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua dự án Luật theo quy trình ba kỳ họp.

Tại phiên thảo luận có 7 ý kiến đại biểu góp ý kiến. ĐB Đào Tú Hoa cho rằng, đây là dự án luật quan trọng nhằm đảm bảo thực thi xuyên suốt cùng với các luật khác như Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, đảm bảo thực thi phán quyết của toà án trên thực tế…

Về cơ bản, ĐB Hoa nhất trí với nội dung của dự án Luật. Tuy nhiên một số nội dung được ĐB nêu ra hiện vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau trong đó có nội dung Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này...

Đại biểu Đào Tú Hoa phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

Theo ĐB Đào Tú Hoa, đây là nội dung mới quy định. Căn cứ yêu cầu thực tế, mục đích cải tạo của phạm nhân là hình phạt trừng trị, phạm nhân chấp hành hình phạt tù và phải cách ly khỏi đời sống xã hội. Do vậy, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động sẽ không đảm bảo yêu cầu an ninh an toàn.

Nội dung thứ hai cũng được ĐB Đào Tú Hoa đề cập đến là quyền và nghĩa vụ phạm nhân được quy định tại Điều 27 dự thảo Luật. Đây là nội dung rất quan trọng về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân được quy định như thế nào? Do đó cần quy định rõ ràng chứ không nên quy định chung chung như trong dự thảo.

“Theo báo cáo công tác Thi hành án năm 2018 của Chính phủ đã nêu, cùng với những kết quả đã đạt được thì còn nhiều hạn chế tồn tại nếu không quy định rõ trong Luật về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân”, ĐB Hoa nói.

Cho ý kiến về Điều 17, về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam, một số đại biểu không đồng tình với quy định trong dự thảo luật. Đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng, mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ. Do vậy, hoạt động lao động của phạm nhân cần được tổ chức trong trại giam hoặc khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam.

Tham gia thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Hữu Chính cho rằng, đối với quy định về việc cho phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động, khi phạm nhân vào trại rồi chính trại giam phân loại tội phạm. Đối với những phạm nhân phạm tội ít nghiêm trọng thì không vấn đề gì. Việc này có thể đảm bảo an toàn trong việc quản lý phạm nhân lao động ngoài khu vực trại giam.

“Đối với luồng ý kiến khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động phải hỏi ý kiến và phải được sự đồng ý của phạm nhân là không đúng. Bởi phạm nhân vào trại phải lao động, quyền công dân bị quyền hạn chế rất nhiều nên tôi bác bỏ ý kiến này”, ĐB Nguyễn Hữu Chính nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

Nói về quy định, hàng tháng, quý xếp loại thi đua cho phạm nhân, ĐB Nguyễn Hữu Chính nêu quan điểm đồng tình ủng hộ. Bởi đây là cơ sở để làm căn cứ xem xét đối với công tác thi hành án của phạm nhân và làm cơ sở để xét giảm án, tha tù theo đúng quy định.

Về quy định cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, dự án luật quy định giao Chính phủ việc ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đồng tình với quan điểm này. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên dự thảo luật chỉ quy định chung chung về nguyên tắc, còn thủ tục cụ thể cưỡng chế giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Đào Tú Hoa lại cho rằng, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết bởi thủ tục cưỡng chế thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại không chỉ liên quan đến quyền, nghĩa vụ của pháp nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan tổ chức liên quan. Hơn nữa, nếu giao cho Chính phủ quy định thì sẽ có nhiều điều khoản phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, khiến luật chậm đi vào cuộc sống

Cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, nêu rõ đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều điều luật về tư pháp, tác động trực tiếp đến đời sống, an ninh xã hội.

Đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

Về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, đại biểu cho rằng quy định nội dung này nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của bản án kết hợp trừng trị, giáo dục người phạm tội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội song cũng bảo vệ quyền con người, tạo điều kiện để người phạm tội hướng thiện.

Điều 14, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “... các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Vì vậy, việc xác định quyền bị hạn chế của người phạm tội là yêu cầu cần làm rõ trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu, Điều 27, dự thảo Luật đã quy định các nhóm quyền của phạm nhân, trong đó có nhiều quy định cụ thể nhưng cũng có quy định nêu chung chung, mang tính nguyên tắc. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: "Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ." Quy định như vậy sẽ khó thực hiện, chưa khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội. Việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân phải có bước đi phù hợp để đảm bảo tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức.

Ngọc Ánh- VP Đoàn ĐBQH HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    787 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.835.908
    Online: 39