Chiều ngày 14.11.2018 Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Kiến trúc, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu ý kiến.
Đại biểu Mai thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc như đã phân tích tại Tờ trình số 310 của Chính phủ vào Báo cáo thẩm tra số 1098 ngày 12/10 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Đại biểu cho rằng kiến trúc luôn thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng, miền và đặc biệt là mang tính sáng tạo rất cao. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay các vấn đề liên quan đến hoạt động kiến trúc đang được điều chỉnh tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Di sản văn hóa và đặc biệt rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Đại biểu Bùi Huyền Mai phát biểu (Ảnh: Minh Tú)
Trong suốt hơn 20 năm qua, với kiến trúc sư và các cơ quan quản lý nhà nước đã kiên trì đề xuất xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện về kiến trúc và hành nghề kiến trúc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân hành nghề. Việc xây dựng dự án Luật Kiến trúc cũng là để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của hiến pháp năm 2013.
Đại biểu Mai đề nghị bổ sung một điều tại Chương 1, về chính sách của Nhà nước để phát triển kiến trúc. “Tôi thống nhất với nhiều nội dung mà đại biểu Nguyễn Trường Giang đã nêu trước tôi và đề nghị phải cụ thể hóa thêm về những nội dung như khuyến khích phát triển kiến trúc xanh, các chính sách, định hướng để đào tạo phát triển đội ngũ kiến trúc sư của Việt Nam. Vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiến trúc để lưu trữ, kết nối, chia sẻ thông tin các vấn đề liên quan đến chính sách huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển kiến trúc” Đại biểu Mai nói.
Đối với nhóm quy định về quy chế quản lý kiến trúc từ Điều 11 đến Điều 13. Đại biểu Mai cho rằng đây là một quy định rất quan trọng trong dự thảo Luật Kiến trúc và sẽ trở thành một công cụ quản lý hữu hiệu để các cơ quan quản lý nhà nước đối với kiến trúc đô thị duy trì những giá trị kiến trúc truyền thống cũng như đảm bảo phát triển của kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, đọc các quy định, đặc biệt là các quy định tại Điều 10, chưa rõ. “Đề nghị Ban soạn thảo cần phải cân nhắc về quy chế quản lý kiến trúc bao gồm cả quy chế chung và quy chế quản lý chi tiết, phải được định nghĩa rõ là loại văn bản gì? Vấn đề hiệu lực đến đâu? Những nội dung liên quan đến chế tài trong trường hợp các cá nhân, tổ chức vi phạm thì áp dụng xử lý như thế nào? Theo quy trình thủ tục gì?” Đại biểu Mai nói.
Tại Điều 12 quy định về điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc. Đại biểu Mai đề nghị cần phải có quy định cụ thể về thời gian được xem xét điều chỉnh để đảm bảo tính ổn định của quy chế, đồng thời xem xét lại quy định tại điểm c khoản 3 là căn cứ điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc trong trường hợp quy chế không thực hiện được hoặc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung này hoàn toàn mang tính định tính, dễ gây tùy tiện khi áp dụng.
Về các vấn đề liên quan đến hành nghề kiến trúc. Các đại biểu trước đã phân tích rất cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm 2 nội dung:
Thứ nhất, vấn đề hành nghề kiến trúc phải đảm bảo tuân thủ hai nguyên tắc: hành nghề tự do và nguyên tắc hoạt động độc lập. Như vậy, các quy định phải được thiết kế xây dựng theo hướng đảm bảo hai yếu tố để các cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát, đó là: quy định bắt buộc các giao kết phải được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng và cơ sở để xác định mức thù lao cho kiến trúc sư.
Thứ hai, vấn đề hành nghề kiến trúc. Các quy định trong dự thảo về cấp phép hành nghề kiến trúc còn rất phức tạp và nặng thủ tục hành chính. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp.