Sáng ngày 29/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn chuyên trách  Đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm hiện nay còn chung chung. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn ngay trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội.

Sáng 29/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) theo Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đi sâu vào làm rõ một số vấn đề, đại biểu đề nghị, bổ sung khoản 2 Điều 2 (đối tượng áp dụng) các chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải bao gồm cả cá nhân cho phù hợp, thống nhất với Điều 4 khoản 7 - giải thích từ ngữ về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Ngoài ra, tại khoản 23, Điều 4 đề xuất bổ sung trường hợp người thụ hưởng do người được bảo hiểm chỉ định để linh hoạt phù hợp với loại hình bảo hiểm phi nhân thọ như trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm là người thuê tài sản, người được bảo hiểm là chủ sở hữu tài sản. Trong trường hợp này, chủ sở hữu tài sản (người được bảo hiểm) có thể chỉ định ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cho chủ sở hữu tài sản vay tiền mua tài sản là người thụ hưởng.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai thảo luận góp ý vào dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi).

Đáng chú ý, về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 5) còn chung chung chưa rõ, đơn cử như việc khuyến khích, tạo điều kiện phát triển như thế nào cũng không giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn ngay trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ đảm bảo linh hoạt và khả thi trên thực tế.

Liên quan đến vấn đề hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm, đại biểu cho rằng việc bảo mật thông tin cá nhân người mua bảo hiểm là nội dung được quan tâm. Theo đó, tại khoản 2, Điều 6 dự thảo Luật có quy định trách nhiệm các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm; đồng thời, tại khoản 4 Điều 6 quy định cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Điều này cần được cân nhắc kỹ, đảm bảo phù hợp với Điều 21 Hiến pháp về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, được pháp luật bảo đảm về thông tin. Ngoài ra, nội dung này cần phải được ghi trong hợp đồng bảo hiểm, cần được giải thích cho người mua bảo hiểm để đảm bảo chặt chẽ, không vi phạm Hiến pháp. Đặc biệt, việc bảo mật thông tin cần được rà soát để đảm bảo phù hợp với Luật An ninh mạng. Báo cáo giải trình tiếp thu của Bộ Tài chính mới nêu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin khách hàng là chưa đủ mà cần được quy định trách nhiệm hình thức xử lý vi phạm đối với các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo tính chịu trách nhiệm cao nhất trong bảo mật thông tin cá nhân.

Về hình thức hợp đồng bảo hiểm (Điều 15), đại biểu đề nghị xem xét sự thống nhất với khoản 1 và khoản 2. Cụ thể, khoản 1 quy định hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản; khoản 2 có nội dung hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 về hình thức giao dịch dân sự có quy định “giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Do vậy, dẫn tới cách hiểu là hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng hành vi là chưa logic với quy định tại khoản 1.

Riêng đối với nội dung về đề phòng, hạn chế tổn thất, tại khoản 5 Điều 62 quy định các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất, hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền về công tác đề phòng, hạn chế tổn thất. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định này chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, do đó quy định cần cụ thể hơn nữa để có thể thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực.

Minh Tú - VP


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    717 người đã bình chọn
    Thống kê: 4.980.902
    Online: 143