Ngày 16/3/2022, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên môi trường.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai và các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn.
Toàn cảnh phiên chất vấn
Phiên chất vấn đã có tổng số 80 đại biểu đăng ký chất vấn, 35 đại biểu chất vấn lĩnh vực công thương và 45 đại biểu chất vấn lĩnh vực tài nguyên - môi trường; đã có 48 đại biểu trực tiếp tham gia chất vấn và 10 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề, trong đó có 02 đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội trực tiếp chất vấn tại hội trường.
Các nội dung chất vấn của đại biểu đã được các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường trực tiếp trả lời, giải trình và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp… cùng tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm các vấn đề có liên quan.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các Bộ trưởng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phục trách; trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm. Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề dư luận và cử tri quan tâm, bám sát thực tiễn địa phương, lĩnh vực được chất vấn để đặt câu hỏi và tranh luận có chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên chất vấn
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, bình ổn cung cầu về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào và phải đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước. Đồng thời cần xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh. Nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, dự trữ quốc gia về xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống; thực hiện công khai minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch; thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng hóa lên các cửa khẩu...
Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội tham dự phiên chất vấn
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật, văn bản hướng dẫn luật có liên quan. Cùng với đó, rà soát sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản, chú trọng các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi, đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh ngăn chặn các trường hợp trúng thầu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết; không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất;...
Đại biểu tham dự phiên chất vấn
Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3.
Để Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống, ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trước cử tri cả nước, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách tại Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước.
Cùng với đó, các vị đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện chức năng giám sát; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri, tích cực giám sát việc thực hiện giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội./.