Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 110/BXD-PTĐT ngày 11/01/2023 trả lời phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội gửi tới Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 4.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận được Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội ghi ngày 03/11/2022 do Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến theo công văn số 1723/TTKQH-GS ngày 04/11/2022, nội dung chất vấn như sau: “Theo Báo cáo số 130/BC-BXD của Bộ Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị của nước ta, đó là: (1) Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ, thiếu thống nhất; (2) Chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thống nhất trong cả nước; (3) Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị còn hạn chế,... Đây đều là nguyên nhân chủ quan. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Xây dựng về nội dung hạn chế trên. Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục hạn chế một cách hiệu quả những vấn đề nêu trên như thế nào?”.

Về việc này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau: Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở Trung ương về quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên thực tiễn công tác quy hoạch và phát triển đô thị của nước ta trong thời gian vừa qua vẫn còn có những tồn tại hạn chế, Bộ Xây dựng đã báo cáo cụ thể với Đại biểu tại Báo cáo số 130/BC-BXD của Bộ Xây dựng ngày 28/10/2022. Các tồn tại, hạn chế đó một phần do các nguyên nhân khách quan nhưng các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là các nguyên nhân xuất phát từ sự phân công, phân quyền, phân cấp trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và xây dựng mô hình chính quyền đô thị, trong đó có trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương về quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước các tồn tại, bất cập của tình hình thực tiễn phát triển đô thị, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã nỗ lực tập trung rà soát, đánh giá, tổng kết tình hình thực tiễn cũng như các lý luận về quản lý, phát triển đô thị. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương để tham muu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022). Đây là cơ sở chính trị, chỉ đạo định hướng toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được triển khai đồng bộ, khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên. Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW với 33 nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương đối với từng nhiệm vụ.

Để khắc phục hiệu quả các nguyên nhân chủ quan đã được xác định, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thiện thể chế, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách bao gồm: đề xuất ban hành Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị. Nội dung các văn bản Luật sẽ rà soát, quy định thống nhất về phân công, phối hợp giữa các cấp trong quản lý nhà nước về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong thời gian đang nghiên cứu các Luật, Bộ Xây dựng đã chủ động tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa các Nghị định trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, theo đó, đã từng bước thể chế hóa việc phân cấp cho địa phương trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, hoàn thiện quy định về trách nhiệm quản lý phát triển đô thị ở Trung ương và địa phương. Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết cơ chế đặc thù, trong đó có quy định về phân cấp một số thủ tục về quy hoạch đô thị cho các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương như các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh việc nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch và phát triển đô thị; nghiên cứu đổi mới phương pháp, quy trình, nội dung quy hoạch đô thị; đề xuất các giải pháp huy động nguồn nhân lực cho phát triển đô thị để nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị các cấp.

Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trọng quá trình nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị áp dụng thống nhất trên cả nước.

Xem chi tiết tại file đính kèm./.

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    718 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.249.204
    Online: 135