Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Văn bản số 449/BTNMT-PC ngày 22/01/2024 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (qua Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023). Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị của cử tri với một số nội dung như sau:

1. Cử tri phản ánh việc thực hiện Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có nhiều bất cập: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện cùng cấp Giấy chứng nhận lần đầu dẫn đến thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn cho người dân; đã phân cấp, phân quyền cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nhưng con người lại do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý nên việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp huyện gặp nhiều khó khăn. Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi theo hướng chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc cấp huyện quản lý.

Trả lời: Tại Công văn số 238/BTNMT-PC ngày 15/01/2024 gửi Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến như sau:

- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết số 19-NQ/TW) đã nêu rõ "Tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo mô hình dịch vụ công, tập trung một cấp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có các chi nhánh đặt tại các quận, huyện, khu vực đông dân cư để tạo thuận lợi cho người dân; trước mắt thực hiện đối với khu vực đô thị".

- Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao năng lục, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã tiếp tục quan điểm định hướng, chỉ đạo kiện toàn, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương và địa phương bảo đảm tinh gọn, ổn định, thống nhất, hiệu lực hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra quan điểm, mục tiêu "phân cấp, phân quyền phù hợp"; "Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai".

- Triển khai chủ trương, định hướng và quan điểm chỉ đạo tại các Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Luật Đất đai, trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương yêu cầu kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước đã thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật đất đai theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền để các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân để giảm thiểu tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người dân.

- Qua theo dõi quá trình hoạt động của các Văn phòng đăng ký đất đai cho thấy việc thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai đã góp phần tạo chuyển biển tích cực năng lực quản lý nhà nước về đất đai; cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được coi trọng hơn; đảm bảo việc tinh gọn về đầu mối xử lý; tập trung, thống nhất và đồng bộ về quy trình, thủ tục hành chính, liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính công về đất đai. Đặc biệt, thực hiện việc phân cấp để các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận đã được dư luận đồng tình, ủng họ.

- Căn cứ vào quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước thi không nên đặt lại vấn đề chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai về trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện.
2. Cử tri đề nghị nghiên cứu, sửa đổi điểm đ khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn việc xác định dự án có yếu tố nhạy cảm theo hướng quy định cụ thể diện tích đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên khi chuyển mục đích phải báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trả lời: Tại Công văn số 238/BTNMT-PC ngày 15/01/2024 gửi Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến như sau:

- Điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên là một trong các yếu tố nhạy cảm về môi trường. Nội dung này được quy định chi tiết hơn tại điểm đ khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể 'Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai" nhằm đồng bộ với pháp luật về đất đai.

- Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chấp thuận chủ trương về việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Công văn số 4146/VPCP-NN ngày 06/6/2023 của Văn phòng Chính phủ và đang thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi. Trong đó, có đề xuất bổ sung quy định cận dưới đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên. Từ đó, cắt giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; đồng thời đề xuất phân cấp thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường cho địa phương đối với dự án có tiêu chí này.

3. Cử tri đề nghị hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện việc rà soát, lập hồ sơ sử dụng đất trong các nông lâm trường, trạm trại để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.

Trả lời: Tại Công văn số 238/BTNMT-PC ngày 15/01/2024 gửi Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến như sau:

- Vấn đề cử tri nêu đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện chung trên phạm vi cả nước. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 về việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

- Về việc hướng dẫn lập Đề án và phương án tổng thể quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các nông lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý sử dụng, ngày 12/7/2016, Tổng cục Quản lý đất đai đã có Công văn số 1246/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ hướng dẫn Đề cương chi tiết xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng (một trong những phạm vi của Đề án là Lập phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất do các nông, lâm trường hoặc các tổ chức chuyển đổi từ nông lâm trường bàn giao cho các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh; Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26/02/2015 quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp.

- Theo đó, các công ty nông, lâm nghiệp phải tiến hành rà soát đất đai, lập phương án sử dụng đất phần diện tích giữ lại quản lý, sử dụng. Đối với phần diện tích của các công ty giải thể; đất do thu hẹp không còn nhu cầu sử dụng; đất không sử dụng, đất công ty đang khoán trắng, sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất đã chuyển nhượng; diện tích đất đã bán vườn cây; đất kết cấu hạ tầng không phục vụ sản xuất; đất ở theo quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt,... thì phải bàn giao về địa phương.

- Ngày 07/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng" tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Ngày 01/3/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường nhằm triển khai tổng thể các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất có nguồn tốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

- Ngày 10/3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành Công văn số 1490/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ về việc tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, chỉ đạo các địa phương thực hiện các nội dung chủ yếu sau: tập trung hoàn thành việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất; tập trung hoàn thành việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất; rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại trên cơ sở xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất theo từng loại đất, hình thức, thời hạn sử dụng đất; hoàn thiện hồ sơ giao đất, cho thuê đất theo hướng đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách, có tính đến đặc thù đối tượng sử dụng là người dân tại chỗ, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; thực hiện tiếp nhận, xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng quỹ đất do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và các tổ chức chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh bàn giao cho địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp.

Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa tiến hành báo cáo về việc quản lý, sử dụng đất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nội dung trả lời tại văn bản đính kèm./.

Hoàng Hiếu


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    717 người đã bình chọn
    Thống kê: 4.982.474
    Online: 148