Thời nào cũng vậy, việc nói và làm thường có ba loại người: Nói đi đôi với làm; nói ít làm nhiều; nói nhiều làm ít như câu ngạn ngữ xưa “Nói như rồng bay, làm như mèo mửa”. Triều Trần, Hưng Đạo đại vương Trần Hưng Đạo rất coi trọng việc dùng người. Trần Hưng Đạo đưa ra 8 biểu hiện để xem xét, đánh giá không thể chọn làm tướng với những người: Lòng tham mà không chán; Ghen người hiền, ghét người tài; Tin lời dèm pha, thích lời nịnh hót; người mà không xét mình; Do dự không quả quyết; Say đắm rượu và sắc đẹp; Thích xảo trá mà lòng nhút nhát; Nói lời viển vông mà không giữ lễ nghi”. Trong 8 biểu hiện mà Trần Hưng Đạo đưa ra để xét chọn có biểu hiện: “Nói lời viển vông mà không giữ nghi lễ”.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác sử dụng cán bộ. Việc đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ là cả một khoa học và nghệ thuật. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”(viết tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì phải chú trọng người nói đi đôi với làm, nhất quán giữa nói và làm; nói đúng và làm đúng đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước vì quốc gia, dân tộc; sự thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức. Người luôn nhắc cán bộ, đảng viên phải “Nói cái gì phải cho tin, nói và làm cho nhất trí, làm thế nào cho dân tin”. đòi hỏi người cán bộ cách mạng phải phải tu dưỡng, rèn luyện để làm sao bảo đảm sự thống nhất để lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói.

 Trong suốt cuộc đời mình hoạt động cách mạng của mình, chính Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh là luôn thể hiện sự nhất quán giữa lời nói đi đôi với việc làm. Còn nhớ một lần trả lời một nhà báo Pháp năm 1946, Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta được độc lập, đồng bào ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”. Lịch sử đã minh chứng Người đã bôn ba, mang hết trí tuệ, công sức, không quản ngại hy sinh, gian khổ để làm việc đó. Dù là việc đại sự quốc gia hay những việc rất bình thường, Người đã nói là làm. Những năm tháng kháng chiến Người ở Hang Pắc Pó, Cao Bằng, với giường gỗ đơn sơ, ăn rau rừng, uống nước suối, phương tiện làm việc đơn sơ, bàn đá chông chênh… Rồi thời điểm những năm đầu khi mới giành được chính quyền về tay nhân dân, Đảng và Chính phủ phát động phong trào toàn dân tham gia diệt giặc đói, chính Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, và bản thân Người thực hiện rất nghiêm túc: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Hũ gạo cứu đói chứa đựng tình người ra đời và được mọi gia đình hưởng ứng; khi chuẩn bị bữa ăn, trước khi cho gạo vào nồi nấu, người nấu tự bốc bớt một phần gạo cho vào hũ. Gạo trong hũ được định kỳ gửi đến chính quyền cách mạng để ủng hộ (cứu đói) những người dân thiếu đói. Những năm Bác sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, khi kinh tế khó khăn, đời sống của nhân dân còn nghèo khó, mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy giống như cán bộ, nhân dân. Khi về thăm các địa phương, Bác mang cơm nắm với muối vừng để tiết kiệm gạo, tiền của nhân dân, Bác nói: “Người ta dọn ra một bữa cơm sang, có khi Bác chẳng ăn đâu, nhưng rồi để lại cái tiếng đấy: Bác Hồ đến thăm cũng làm một bữa cơm sang, cũng điều người này, người khác từ giao tế sang, chuẩn bị cả buổi. Thế là tự Bác bao che cho cái chuyện xôi thịt. Như thế nắm cơm theo ăn cho tiện, ăn no rồi đến làm việc”.

Đối với việc chống chủ nghĩa cá nhân, Người rất kiên quyết, chính Người đã nêu gương chống sùng bái cá nhân. Người không bao giờ tự tôn mình là bậc vĩ nhân, không bao giờ đặt cái tôi cao hơn dân tộc và sự nghiệp của dân tộc, cho dù Người là con người tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam nói riêng và được cả thế giới tôn vinh. Người dạy: “Đem lòng chí công mà đối với người, với việc”, “Làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước”, “Không ham người tâng bốc mình”. Người nêu tấm gương sáng sống chân thành khiêm tốn, sống cho dân, vì dân, sống cho đời chứ không sống cho mình. Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình, Người thường tìm cách vắng nhà để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà. Bác làm việc này để thực hiện điều Người dặn các cơ quan, các địa phương là đến ngày sinh của Người không tổ chức kỷ niệm chúc thọ Người để tránh lãng phí thời giờ, tiền bạc. Khi đi vào cõi trường sinh, Người dặn không tổ chức điếu phúng linh đình để tiết kiệm tiền bạc của nhân dân...

Người thường khuyên mọi người sống trong sạch, không tham tiền tài danh vọng, không cậy quyền, cậy thế mà tham ô, hối lộ, quan liêu, hách dịch, cửa quyền…Nên làm những việc vì dân, vì nước, quang minh, chính đại. Người luôn răn dạy cán bộ, đảng viên nên suy ngẫm lời người xưa dạy: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Người yêu cầu cán bộ cấp càng cao thì càng phải gương mẫu. Và chính Người đã làm những việc quang minh chính đại, để cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền noi theo. Với việc răn dạy cán bộ, đảng viên, trong bài viết "Cần, kiệm, liêm, chính”đăng trên báo Cứu Quốc số ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 năm 1949, ngay ở phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết những vấn đề trên trong tương quan với các quy luật của tự nhiên và xã hội bằng 6 câu thơ như sau: "Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính; Thiếu một phương, thì không thành đất; Thiếu một đức, thì không thành người". Bài thơ Người viết ngắn nhưng thật súc tích, sâu sắc và ý nghĩa. Đối với cán bộ đảng viên càng cần bốn đức đó. Và chính Người đã làm gương về thực hiện bốn đức: Cần, kiệm, liêm chính. Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền Pháp thời đó; đi dép lốp, mặc áo vá vai, dùng loại ô tô ít tiền nhất. Mùa hè nóng bức, Bác vẫn dùng chiếc quạt lá cọ, Bác bảo: Bác làm như thế để dành điện phục vụ cho sản xuất, dành điện phục vụ sinh hoạt cho nhân dân...

 Người viết trong Sổ Vàng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tại chiến khu Việt Bắc năm 1949, căn dặn: “Học để làm người, làm việc, làm cán bộ”. Tháng 12 - 1958, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Ðạo đức cách mạng. Người chỉ rõ cho cán bộ đảng viên: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”… “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”… “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”… “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện, cần, kiệm, liêm, chính”và “Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo, nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau”. Người cũng luôn nhắc nhở quan tham nhiều thì dân khổ, nước nguy; Cán bộ, đảng viên nếu làm theo được những việc như trên sẽ thật sự quan liêm - mà quan liêm thì dân hạnh phúc, sẽ đẩy thuyền đi…

Có những việc làm rất bình dị mà liêm chính của Người: Đó là một lần, đồng bào Thái Bình gửi biếu Người 2 chai nước mắm, Bác đã san sẻ, biếu một cụ già cùng hưởng. Lần khác, Người tới thăm Xí nghiệp May X, Xí nghiệp biếu Người bộ quần áo ka ki, Người nhận và sau đó gửi thư và quà cảm ơn: “Bác cảm ơn các cô, các chú biếu Bác bộ quần áo, Bác đã nhận rồi, nay Bác xin gửi lại để làm phần thưởng thi đua”. Những lần Người đi công tác ở nước ngoài, các loại quà nước ngoài tặng Người đều coi đó là tài sản công hoặc tế nhị gửi lại. Hay một lần Người sang thăm Liên Xô, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô có gửi biếu Người 4000 rúp và biếu đồng chí thư ký của Người 1000 rúp. Trước khi rời Mạc Tư Khoa, Người đã gửi lại Uỷ ban Trung ương Đảng Liên Xô 5000 rúp đó...

Nói đi đôi với làm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta và thực tiễn những việc Người làm đó là mực thước, là tôn chỉ, lẽ sống thật phải học tập và làm theo. Nói đúng, làm đúng; nói thật làm thật đối lập với nói dối làm giả. Người xưa truyền lại “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Nhưng đó mới là chính là bảo bối cứu con người, cộng đồng và tồn vong của dân tộc. Nhận thức đúng sự thật, lẽ phải; biết nói đúng sự thật, lẽ phải và biết làm gì để bảo vệ, lan truyền sự thật, lẽ phải chính là giải pháp hữu hiệu để chống lại những kẻ nói một đằng làm một nẻo; gian manh, xảo quyệt dùng lời nói để biện hộ, phủ nhận, che đậy những sai trái.

 Trước tình hình sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống từ nhiều năm nay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quản lý nhà nước ta thời gian vừa qua, có không ít cán bộ, đảng viên nói thì hay, nhưng làm thì dở, nói và làm không đồng nhất, hứa trước cử tri và nhân dân rất nhiều nhưng thực hiện rất ít hoặc không thực đúng… Đúng như Bác đã chỉ rõ: “Có những kẻ miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư khoá XI, đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả cấp cao chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”. Ngày 30/10/2016 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục. Về biểu hiện suy thoái chính trị, Nghị quyết chỉ rõ đó là biểu hiện: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.”Nghị quyết của Trung ương đảng khóa XII đã đáp ứng đúng ý Đảng, lòng dân.

Cán bộ, đảng viên “Nói đi đôi với làm” chính là thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự sống còn của niềm tin, lòng dân với Đảng, với chính quyền nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hoá. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công”.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, gìn giữ chủ quyền quốc gia, dân tộc hiện nay, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị càng cần có nhận thức đúng nói phải đi đôi với làm và phải thường xuyên thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị./.

 Nguyễn Xuân Diên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI (17/3/1930*17/3/2025)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    791 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.175.416
    Online: 128