Đoàn giám sát của Tổ đại biểu số 22 HĐND Thành phố vừa triển khai giám sát hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Mê Linh. Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp với UBND huyện Mê Linh, Phòng Kinh tế, các trạm: Khuyến nông, Thú y, Bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện.
Tổ đại biểu số 22 HĐND thành phố Hà Nội đánh giá trong những năm qua, hoạt động khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các phòng ban huyện quan tâm chỉ đạo; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông đã thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực trồng trọt; công tác phòng, chống bệnh dịch gia súc, gia cầm, quản lý các hoạt động về thú y; công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trên địa bàn huyện Mê Linh.
Đ/c Đoàn Văn Trọng – Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 22 HĐND Thành phố kết luận buổi giám sát. Ảnh melinh.hanoi.gov.vn
Đoàn giám của Tổ đại biểu đã chỉ ra những một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trong đó, công tác khuyến nông, việc tuyên truyền, tập huấn mặc dù đã được tích cực triển khai nhưng nội dung mới chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống, chưa áp dụng những nội dung mới, khoa học kỹ thuật mới. Việc nhân rộng các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, có sự chồng chéo với phòng Kinh tế. Quá trình xây dựng, triển khai thực hiện một số mô hình chưa phù hợp quy hoạch sản xuất của từng xã, chưa tham mưu tốt trong việc chỉ đạo các địa phương trong sản xuất cây, con giống phù hợp tình hình thực tế của thị trường; chưa liên kết để tạo lập chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Triển khai mô hình cơ giới hóa còn hạn chế, nông dân vẫn cấy tay. Hoạt động của Quỹ Khuyến nông trên địa bàn huyện còn hạn hẹp. Nhiều hộ nông dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất nhưng chưa biết hoặc chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay của Quỹ.
Công tác thú y, việc quản lý giết mổ, vệ sinh thú y còn hạn chế, chưa có điểm giết mổ tập trung, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, trong các chợ vẫn còn phổ biến; công tác kiểm dịch còn hình thức, còn tình trạng sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng trọng nhanh. Việc kiểm tra, cấp phép các hộ kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn huyện còn hạn chế.
Công tác bảo vệ thực vật, hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên hoa chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Các mô hình hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên lúa và rau màu mới chỉ áp dụng ở phạm vi nhỏ, chưa áp dụng đại trà trên địa bàn huyện, đặc biệt là các vùng sản xuất rau an toàn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan của điều kiện địa bàn giáp ranh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường thì chính quyền một số xã còn chưa quan tâm, quyết liệt trong công tác phát triển sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch bệnh hại trên cây trồng, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Chế độ phụ cấp của cán bộ khuyến nông cơ sở, cán bộ thú y thôn thấp (0,8% mức lương cơ bản/người/tháng), một số cán bộ bảo vệ thực vật xã, trưởng ban thú y xã chưa được biên chế chính thức (Trưởng ban Thú y xã Tự Lập 2 năm hợp đồng không có lương) nên không yên tâm công tác, chưa thực sự nhiệt tình trong công việc. Ý thức, sự tự giác của một bộ phận người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng còn thấp, có tư tưởng chủ quan, không khai báo dịch, không tiêm phòng gia súc, gia cầm.
Tổ đại biểu số 22 kiến nghị UBND Thành phố ban hành hướng dẫn cụ thể và bố trí nguồn kinh phí để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt và đầu tư khu giết mổ tập trung phù hợp với quy hoạch. Tổ chức thi tuyển cho nhân viên khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật của trạm, của xã, thị trấn. Mở rộng khu vực được phép kiểm tra vật tư nông nghiệp (được phép kiểm tra cả ở ngoài khuôn viên cửa hàng và kho chứa vật tư nông nghiệp)
Đề nghị Sở NN và PTNT Thành phố bố trí kinh phí xây dựng trụ sở làm việc liên cơ quan cho ba đơn vị: Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật. Xây dựng quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và có quy định cụ thể đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên hoa. Chỉ đạo Chi cục Khuyến nông tăng cường mô hình rau an toàn tại các xã Tiến Thắng, Tráng Việt, Mê Linh, mô hình trồng hoa gắn với phát triển du lịch sinh thái, mô hình trồng cây lâu năm (hạn chế chế đối với mô hình trồng lúa)...
Đốỉ với UBND huyện Mê Linh, đề nghị tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các Trạm trong việc triển khai công tác chuyên môn trong lĩnh vực khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật. Chỉ đạo các UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động hộ dân tham gia tiêm phòng gia súc, gia cầm nuôi, phun khử trùng tiêu độc, xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, không chấp hành công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi như không tiêm phòng, giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho các vùng sản xuất rau an toàn không nằm trong Nghị quyết 25/NQ-HĐND của HĐND Thành phố.
Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao: Vận động các doanh nghiệp, thu hút đầu tư nhằm tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Tích cực hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi (khuyến khích giảm diện tích lúa chuyển sang trồng hoa, rau màu). Tăng cường kiểm tra các khu giết mổ tập trung đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực thẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường. Kiểm soát chặt chẽ đối với các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Chú trọng tuyên truyền đảm bảo sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm trên hoa, rau. Triển khai các mô hình trên địa bàn đảm bảo chất lượng và nhân rộng có hiệu quả kinh tế cao. Nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường (cần con gì? cần bao nhiêu? thời điểm nào?), tránh tình trạng phụ thuộc vào thị trường. Định hướng, khuyến khích Nhân dân thực hiện mô hình phòng khám thú y, mô hình rau hoa kết hợp du lịch sinh thái...
Toàn văn kết quả giám sát xem tại file đính kèm