Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 14/11/2018 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Kiến trúc, Đại biểu Hòa thượng thích Bảo Nghiêm góp ý vào dự thảo Luật Kiến trúc.

Đại biểu tán thành với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh luật, quản lý kiến trúc là yêu cầu đã được nhiều nước quan tâm, một số quốc gia đã ban hành luật hàng chục năm trước đây. Ở Việt Nam, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp có liên quan đến kiến trúc đã ra đời từ năm 1948 đến nay; Hội Quy hoạch và phát triển đô thị thành lập từ năm 1998 cũng đã trải qua 20 năm hoạt động, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng ban hành nhiều luật, dưới luật về các vấn đề liên quan đến kiến trúc, yêu cầu cần có luật về kiến trúc thực tế đã đề cập từ hơn 20 năm nay nhưng phải đến năm 2017 chính thức được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Qua đó, có thể khẳng định rất cần Luật Kiến trúc và kỳ họp này đã có dự thảo để Quốc hội thảo luận là mốc giới quan trọng, thành công bước đầu được quan tâm về phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu (Ảnh: Minh Tú)

Về một số vấn đề tồn tại trong quản lý kiến trúc, Đại biểu Nghiêm cho rằng rất cần có chương quản lý kiến trúc trong luật.

Đối tượng kiến trúc dự thảo luật quy định chưa rõ, chưa đầy đủ. Kiến trúc truyền thống Việt Nam cần quan tâm đến kiến trúc làng cổ, làng nghề truyền thống là vấn đề giới chức chuyên môn khoa học đã nghiên cứu nhiều, nước ngoài quan tâm nhưng chưa được đề cập. Tại Điều 9 về kiến trúc nông thôn không xác định yêu cầu này.

Đại biểu Nghiêm cho rằng công trình di tích, di sản mới chỉ quan tâm đến loại được xếp hạng còn các công trình có giá trị chưa được đề cập. Hơn nữa chỉ đề cập đến trong khu phố cổ là chưa minh bạch, đầy đủ. “Các khu phố cổ còn có các khu phố cũ với nhiều loại công trình đã xếp hạng hoặc có giá trị quản lý theo định hướng ở chỗ nào? Ở đây, cả về từ ngữ khu phố cổ như giải thích ở Điều 3 chưa hợp lý. Điều này chúng tôi đã trao đổi với các nhà chuyên gia, họ đều đánh giá là định nghĩa chưa khoa học.” Đại biểu Nghiêm nói.

Về quản lý về kiến trúc thống nhất, cần có công cụ quản lý là quy chế nhưng cần quy định trong hệ thống thể chế hiện hành với tinh thần cải cách đổi mới nhưng có tính thực tiễn và không nên phức tạp thêm. Trong xây dựng hiện nay đang phổ biến là có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, vấn đề tách kiến trúc thành yêu cầu có quy chế riêng liệu có làm phức tạp thêm không? Việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 với quan điểm tích hợp quy hoạch được dư luận hoan nghênh, xem là đột phá. Vậy tại sao lần này, trong Luật Kiến trúc không xem xét đến khía cạnh đó?

Về hội đồng kiến trúc quốc gia. Đại biểu Nghiêm cho rằng cần phải có hội đồng nhưng là thẩm quyền của Chính phủ nên để Chính phủ quyết định, không nên đưa vào luật. Trước đây Chính phủ đã thành lập hội đồng kiến trúc nhưng sau thấy không thích hợp đã được giải tán. Thực tế hiện nay trong Luật Quy hoạch có cần quy định về hội đồng quy hoạch đâu nhưng Chính phủ thấy giai đoạn này cần có và đang tổ chức được thành lập, dư luận rất ủng hộ. Đề nghị xem xét lại quy định này ở Điều 13 dự thảo.

Về chứng chỉ hành nghề. Từ năm 1993, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 91 về quy chế hành nghề kiến trúc sư. Nhiều nước hiện nay cũng quản lý thông qua cấp chứng chỉ hành nghề với đặc thù các hoạt động kiến trúc cần cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc và có phân hạng để nâng cao chất lượng kiến trúc. Cần có quy định chung về chứng chỉ hành nghề và thẩm quyền phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Trong điều kiện hiện nay, nên là Bộ Xây dựng với sự tham gia xét cấp của các bộ liên quan về văn hóa nghệ thuật và các tổ chức xã hội nghề nghiệp như hội kiến trúc sư, hội quy hoạch. Việc xét cấp có thể phân cấp tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đề nghị cần quan tâm và làm rõ về hành nghề kiến trúc tại Việt Nam của người nước ngoài. Trong hội nhập cần quan tâm, tiếp thu trình độ, kinh nghiệm từ nước ngoài. Nhưng cũng cần thiết phải khai thác năng lực từ kiến trúc sư trong nước đang có tiềm năng nhưng chưa được công bằng trong thiết kế kiến trúc. Nhất là thi tuyển các công trình quan trọng của đất nước, của địa phương.

Hoài Thương- VP Đoàn ĐBQH HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.638.708
    Online: 120