Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố về Chương trình giám sát năm 2018, Thường trực HĐND Thành phố đã thành lập Đoàn giám sát về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn Thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay tại 08 đơn vị quận, huyện và Thanh tra Thành phố và giám sát qua báo cáo đối với UBND Thành phố, 03 sở, ngành liên quan, 30 quận, huyện, thị xã. Qua giám sát, Đoàn giám sát thấy:
Việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nội dung cử tri kiến nghị về nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hoạt động lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng, giao thông, đô thị, môi trường, cải cách hành chính, các chế độ cho các đối tượng chính sách, một số kiến nghị đối với tổ chức, bộ máy, biên chế nhất là đối với đối tượng cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Kết quả: UBND Thành phố và các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu, tiếp thu, trả lời nghiêm túc 1718/ 1718 kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 5 của HĐND Thành phố, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó: kiến nghị đã giải quyết xong là 1.404 kiến nghị, bằng 81,7%; số kiến nghị đang trong quá trình giải quyết là 314 kiến nghị, bằng 18,3%; không có kiến nghị nào chưa được giải quyết. Kết quả trên, Thường trực HĐND Thành phố đều đăng tải công khai trên hệ thống trang thông tin điện tử, đồng thời báo cáo lại cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND Thành phố. Riêng 39 kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề của Thường trực HĐND Thành phố về "Việc thực hiện quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội", hiện nay đang được tổ chức thực hiện. Đối với 341 kiến nghị trước và sau kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố, UBND Thành phố sẽ gửi Thường trực HĐND Thành phố trong tháng 10/2018 và trả lời cử tri trước kỳ họp cuối năm của HĐND Thành phố.
UBND Thành phố từng bước chấn chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền nhằm tạo sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách phát triển Thủ đô nói riêng.
Việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, Thông báo kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật trên địa bàn Thành phố: với sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Thường trực HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận huyện nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, Kết quả cụ thể:
Về khiếu nại, tố cáo: tổ chức thực hiện xong 456/571 quyết định giải quyết khiếu nại, đạt 79%; 340/526 thông báo kết luận, đạt 64,3% (theo báo cáo của Thanh tra Thành phố).
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy: giải quyết xong 103/200 vụ việc, đạt 51,5%; nhiều vụ việc đã được chính quyền cơ sở quyết liệt chỉ đạo, áp dụng nhiều giải pháp, một số vụ việc giảm mức độ tiềm ẩn nguy cơ phức tạp gây mất ổn định an ninh trật tự; 05/30 quận, huyện đã giải quyết xong các vụ việc.
Mặc dù đã việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay và thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tiếp tục khắc phục như:
Về khiếu nại: còn 115/571 quyết định giải quyết khiếu nại đang tổ chức thực hiện. Một số quyết định giải quyết khiếu nại chưa tổ chức thực hiện dứt điểm, tồn đọng kéo dài từ những năm 2009 đến năm 2013 thường liên quan đến cơ chế, chính sách bồi thường GPMB, công tác quản lý sử dụng đất, …tập trung phần lớn trên các địa bàn quận, huyện: Hoàng Mai, Ứng Hòa, Ba Vì; có 04 quyết định do UBND Thành phố ban hành năm 2015 vẫn chưa thực hiện dứt điểm, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Về tố cáo: còn 186/526 kết luận giải quyết tố cáo đang tổ chức thực hiện (theo báo cáo của Thanh tra Thành phố rà soát lại sau khi kết thúc giám sát). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thông báo kết luận giải quyết tố cáo chưa tổ chức thực hiện dứt điểm, chậm triển khai, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước (từ năm 1998 trở lại đây), thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cấp huyện, tập trung nhiều ở một số địa bàn huyện: Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa…Qua giải quyết tố cáo các cấp, các ngành đã phát hiện đề nghị chuyển cơ quan Công an điều tra, xác minh 06 vụ việc.
Về Nghị quyết số 15-NQ/TU: còn 97 vụ việc đang được UBND Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát các vụ việc để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm.
Đoàn giám sát cùng đã chỉ rõ các hạn chế, nguyên nhân của việc để tồn các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực nêu ở trên đến nay vẫn chưa được tổ chức thực hiện xong. Qua đó cũng đưa ra các đề xuất kiến nghị cơ bản sau:
Đối với các cơ quan Trung ương: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tạo điều kiện cho các địa phương cũng như thành phố Hà Nội trong quá trình giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng như trả lời và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đối với Thành ủy, HĐND Thành phố: Đề nghị Thành ủy tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các cấp nâng cao trách nhiệm, coi việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân gắn với việc thực hiện Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của các địa phương; Đề nghị HĐND Thành phố xem xét ban hành Nghị quyết về công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn Thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay.
Đối với UBND Thành phố: Rà soát toàn bộ các kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đánh giá, phân loại kết quả giải quyết cụ thể; cần tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể, xác định rõ lộ trình giải quyết cho các sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ trong việc kiểm tra, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Rà soát, tổng hợp danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện mà cấp huyện đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo hướng dẫn của Thành phố nhưng chưa có văn bản trả lời; kịp thời ban hành văn bản xử lý và chỉ đạo để làm cơ sở tổ chức thực hiện, giải quyết dứt điểm các vụ việc; tập trung các địa bàn có số lượng lớn, cùng nội dung, tồn đọng lâu qua nhiều thời kỳ; báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp giữa năm 2019.
Đối với HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã: HĐND: tiếp tục làm tốt công tác giám sát hoạt động giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri tại các địa phương. Xây dựng kế hoạch, tăng cường khảo sát, giám sát chuyên đề, giám sát tại kỳ họp thông qua hoạt động chất vấn, giải trình về công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong đó chú trọng giám sát việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật của các cấp chính quyền; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND Thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo chưa giải quyết dứt điểm thuộc địa bàn từng đơn vị, xây dựng kế hoạch, có lộ trình, giải pháp cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, thời điểm kết thúc, gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 04/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội./.
Toàn văn kết quả giám sát mời xem tại file đính kèm