Ngày 11/4, Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Luật làm Trưởng đoàn đã giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính; thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với hành vi hành chính của chủ tịch UBND các cấp tại thành phố Hà Nội từ 1/10/2014 đến 30/9/2017. Tiếp và làm việc với đoàn giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và lãnh đạo đại diện các cơ quan tư pháp, sở, ngành của thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, trong những năm qua, Thành phố luôn quan tâm đến lĩnh vực tư pháp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí các nguồn lực cho công tác tư pháp như: Hỗ trợ về kinh phí chi thường xuyên; Ngân sách Thành phố hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để cải tạo, sửa chữa trụ sở, đầu tư trang thiết bị làm việc; kinh phí phục vụ các hoạt động chuyên môn, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và học tập trao đổi kinh nghiệm cho các cơ quan Tư pháp... Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác tư pháp cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định.
Toàn cảnh buổi giám sát
Cụ thể, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, thực tiễn công tác thi hành án của thành phố Hà Nội trong thời gian qua luôn gặp khó khăn, người phải thi hành án không chủ động thực hiện vì thi hành án hành chính vừa mang tính tự nguyện, vừa mang tính cưỡng chế; đối tượng của thi hành án hành chính là các quyết định liên quan chủ yếu đến cơ quan hành chính nhà nước, trong khi pháp luật chưa thực sự hoàn thiện và thống nhất khiến chủ thể được thi hành án trong bản án, quyết định của tòa án hành chính càng thêm khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Đặc biệt, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực và cũng có quy định mới: "tất cả khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND cấp huyện sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết". Như vậy, với quy định này thì toàn bộ án hành chính sẽ do TAND Thành phố giải quyết. Trong khi số lượng thẩm phán không được giao bổ sung cũng gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong lĩnh vực tố tụng hành chính, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Cụ thể, tại khoản 1 điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có đưa ra khái niệm về quyết định hành chính bị khởi kiện, tuy nhiên, thực tế việc xác định một số loại quyết định hành chính gặp khó khăn. Mặt khác, quy định của pháp luật về thi hành án hành chính nằm rải rác, tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, nhiều nội dung chưa cụ thể, rõ ràng về cách thức thực hiện, đôn đốc, cưỡng chế thi hành án, xử phạt hành chính trong trường hợp người thi hành án không thực hiện…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật kết luận buổi giám sát
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến của các đại biểu, kết luận buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật ghi nhận, đánh giá cao việc Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội thời gian qua đã quan tâm chỉ đạo tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì thế tỷ lệ khiếu nại hành chính được các ngành giải quyết đạt cao. Đặc biệt, Hà Nội có số vụ án hành chính lớn, nhưng số lượng hủy lại thấp và không có quyết định nào tòa án tuyên trái với quy định pháp luật. Qua đó thể hiện trách nhiệm cao của người đứng đầu các cơ quan tư pháp thành phố và bộ phận tham mưu giải quyết công việc của các ngành chức năng của thành phố.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị, UBND thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách tư pháp, chỉ đạo khắc phục ngay việc một số quyết định hành chính chưa bảo đảm đúng trình tự thủ tục; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng tham mưu để ban hành các quyết định hành chính chất lượng, tránh khiếu nại. Đoàn giám sát cũng đề nghị, lãnh đạo các cơ quan tư pháp của Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người dân.
Đối với các kiến nghị của TP Hà Nội về việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính, để UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn là thành viên UBND tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính; nghiên cứu bổ sung cơ chế cho phép trong trường hợp người bị kiện vắng mặt có thể được trả lời, giải trình các nội dung yêu cầu của cơ quan tố tụng bằng văn bản, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ chuyển đến các cơ quan tư pháp trung ương tổng hợp, tham mưu.