Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, từ 10 giờ 35 sáng ngày 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung. Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có 3 ĐBQH chất vấn là: ĐB Nguyễn Quang Tuấn, Dương Minh Ánh, Nguyễn Anh Trí và đại biểu Nguyễn Quang Tuấn tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu câu hỏi chất vấn: “Tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm và trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em và đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ một cháu thì có ít nhất 10 cháu bị 2 vụ với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Nguyên nhân 6% liên quan đến hàng xóm, người quen, 21% liên quan đến người thân trong gia đình. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng giải pháp nào là căn cơ, là quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này”.

Đại biểu Dương Minh Ánh nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn về cơ chế đặc thù đối với các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật và bổ sung một số trường nghệ thuật và trường trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên đến nay đa số các trường thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao còn hết sức khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất. Đặc biệt nhiều địa phương đang triển khai chủ trương giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo nghị quyết trung ương 6 và 7. Đây là thử thách và có tác động rất lớn với các trường thuộc nhóm đặc thù này. “Bộ trưởng có giải pháp gì để tháo gỡ cho các trường văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao trong thời gian tới”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu chất vấn “Nhiều cử tri cho rằng lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa được quan tâm đầu tư nguồn lực đúng mức, đặc biệt con em của người nghèo, của công nhân lao động, của người yếu thế. Bộ trưởng sẽ làm gì để thay đổi tình hình này. Đại biểu Trí cũngin kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một chương trình được gọi là để cho các em được đến nhà trẻ. Đây là một chương trình dành cho con người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân lao động, người yếu thế, cụ thể là hỗ trợ cho họ kinh phí để các cháu được đến lớp mẫu giáo, được đi nhà trẻ.

Chính phủ đã trả bảo hiểm y tế cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi, đây là một chính sách rất nhân ái, ưu việt và rất trách nhiệm.”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng về vấn đề xâm hại trẻ em và giải pháp căn cơ, để tìm ra giải pháp, mà đại biểu nêu một câu hỏi rất sâu sắc, hiện nay tỉ lệ 59,9% số người vi phạm xâm hại trẻ em là những người thân, người quen. Đây chính là một trong những đối tượng thời gian tới phải quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng này, cùng với các đối tượng khác.

Về giải pháp, Thứ nhất là phải tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt trong luật quy định rất rõ là trách nhiệm của các bộ, ngành, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về vấn đề này, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ hai là tăng cường giáo dục truyền thông trong gia đình, quản lý gia đình ở đây theo chúng tôi thời gian tới rất mong cần phải có một sự thay đổi và tăng cường trách nhiệm của ông bố, bà mẹ, những người anh, chị trong gia đình cùng với nhà trường và xã hội.

Thứ ba là phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật, bảo vệ các em thực hiện quyền của các em trong quá trình tố tụng.

Thứ tư là tập trung xử lý, giải quyết những vụ việc xảy ra một cách nghiêm minh và nhanh chóng nhất. Thời gian vừa qua điều này còn những tồn tại nhất định.

Thứ năm tăng cường các dịch vụ công bảo vệ trẻ em, nhất là hoạt động của dịch vụ 11, dịch vụ này phản ánh rất nhanh và kết nối toàn bộ với các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã thời gian tới cũng như Bí thư đoàn các xã để phản ứng nhanh, khi có tình huống xảy ra.

Thứ sáu là tập trung giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho chính các em. Vấn đề này chúng ta vừa qua làm nhưng chưa tốt.

Cuối cùng, Bộ trưởng kiến nghị với Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tháng hành động vì trẻ em Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của ĐB Dương Minh Ánh, Bộ trưởng cho rằng biện nay chúng ta đã thí điểm 3 trường tự chủ toàn phần, 21 trường thuộc khu vực lực lượng vũ trang cũng tự chủ, qua quá trình 2 năm triển khai thấy rằng số sinh viên đầu vào tăng lên nhiều lần, đời sống giáo viên, thu nhập của giáo viên tăng lên, cơ sở vật chất được tăng cường. Như vậy, không phải chúng ta tự chủ là hạn chế. Tự chủ không có nghĩa là chúng ta cào bằng, ở những tỉnh vùng sâu vùng xa, miền núi, hay một số ngành nghề đào tạo, lĩnh vực có tính chất chuyên biệt, ví dụ như nghề múa, các nghề truyền thống, văn hóa như khôi phục truyền thống hát chèo, tuồng v.v... thì phải có cơ chế hoàn toàn khác so với mặt bằng chung. Những ngành nghề đặc biệt thì nhà nước chuyển sang đặt hàng theo đầu ra, ví dụ có ngành văn hóa nghệ thuật mà 1 thầy 1 trò thậm chí 2 thầy mới được 1 trò, mà quá trình học từ sơ cấp đến trung cấp mất 9 năm, thì những ngành nghề đặc thù ấy nhà nước có cơ chế riêng biệt về vấn đề này.

Riêng về khối văn hóa nghệ thuật thì tôi báo cáo với Quốc hội chúng ta có hơn 40 trường, những năm trước đây nằm ở khối giáo dục quản lý, từ 1/1/2017 thì chuyển toàn bộ về cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Chúng tôi đã căn cơ, đưa một số trường xếp vào trường chất lượng cao, một số trường vào tiêu chuẩn chuẩn để đầu tư nâng cấp, còn thời gian tới khi sửa nghị định thì những trường chuyên biệt, ngành nghề chuyên biệt, khu vực đặc thù thì phải có một cơ chế riêng, chuyển sang đơn đặt hàng và tính theo sản phẩm đầu ra có sinh viên ra và sinh viên có việc làm để trả lương và học phí cũng như nhà nước đầu tư cho các chương trình này, chứ không phải khối văn hóa nghệ thuật hay một số trường chuyên biệt, một số lĩnh vực chuyên biệt cào bằng trong tự chủ như vậy.

Phần trả lời của ĐB Nguyễn Anh Trí sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản./.

Ngọc Ánh - Thanh Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.646.282
    Online: 125