Chiều 4/7, tại phiên họp trù bị kỳ họp thứ Sáu, HĐND TP khóa XV, các tổ đại biểu đã thảo luận đối với các báo cáo, dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách và các nghị quyết chuyên đề dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Việc thảo luận tổ là sự đổi mới trong kỳ họp này, ghi nhận sự đóng góp ý kiến sôi nổi, trách nhiệm của đại biểu.

 

Tổ đại biểu số 3 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

 

* Tại tổ thảo luận số 3, có đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP và đại biểu HĐND TP ứng cử tại các quận: Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Phúc Thọ.

Đại biểu Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội quan tâm chỉ tiêu khối văn hóa và nêu vấn đề, việc công nhận chỉ tiêu, bình xét danh hiệu văn hóa mới là hình thức, chưa đạt thực chất. Bên cạnh đó, tỷ lệ chuẩn quốc gia toàn thành phố về trường học, trạm y tế còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ trạm y tế của huyện Mỹ Đức chưa đạt theo kế hoạch.

Đại biểu Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố nêu vấn đề cần quan tâm đến chế độ tiền lương, chính sách, tránh tình trạng chảy máu chất xám, hạn chế việc cán bộ làm được việc chuyển ra ngoài cơ quan nhà nước, làm sao để công chức, viên chức sống được bằng lương. Ngoài ra, cần quan tâm đến chế độ đặc thù cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước, khi chúng ta tiến vào thời đại 4.0.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm quan tâm đến chỉ tiêu thu gom rác thải trong ngày và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm đến công tác quy hoạch và nhấn mạnh, quy hoạch phải có dự báo, tránh trường hợp điều chỉnh nhiều lần, gây nhiều hệ lụy sau điều chỉnh.

Theo đại biểu Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Đô thị, tỷ lệ xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp còn thấp, tình hình xử lý chất thải rắn xây dựng còn chưa hiệu quả, đề nghị thành phố có biện pháp khẩn trương để đẩy mạnh việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Đại biểu Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ bày tỏ vui mừng khi thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tiềm năng thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp của thành phố còn chưa được khai thác hết, chưa có nhiều thương hiệu nông nghiệp mạnh. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Thành phố cần quan tâm cải tạo hồ nước trên địa bàn thành phố trong khi ngân sách huyện rất khó khăn để kè, nạo vét hồ. Liên quan đến vấn đề sữa học đường, đại biểu hoàn toàn tán thành chủ trương của thành phố để nâng cao sức khỏe cho các cháu, tuy nhiên cần lựa chọn đơn vị cung cấp sữa đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội quan tâm đến chỉ số PAPI và cho rằng, thành phố cần có các giải pháp để nâng cao chỉ số này. Đại biểu Nguyễn Văn Nam, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng nhấn mạnh, cần quan tâm cao nhất tới đời sống của nhân dân, nhất là người dân tái định cư.

Đại biểu Lê Cường, Bí thư Quận ủy Hà Đông đánh giá, báo cáo phục vụ kỳ họp được gửi rất sớm nên đại biểu có thời gian nghiên cứu. Liên quan đến trật tự xây dựng, đại biểu cho rằng, thời gian qua, đã được xử lý có hiệu quả, với tinh thần quyết liệt. Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các tòa chung cư.

Đại biểu Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh, phải đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của người dân, quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy. UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, trong đó, chỉ đạo Công an thành phố vào cuộc để có hình thức xử lý đối với những sai phạm, đặc biệt là đối với những chủ đầu tư các tòa nhà chung cư vi phạm nghiêm trọng an toàn phòng cháy chữa cháy.

Tại Tổ 2, Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (đại biểu Tổ Hoàn Kiếm) cho rằng 6 tháng cuối năm, các giải pháp về KT-XH được UBND TP đưa ra sát với thực tế. Qua giám sát cũng như qua nghiên cứu báo cáo, đại biểu Thắng cho rằng, tiến độ đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án xã hội hóa GD&ĐT còn chậm, có 2/80 trường được công nhận đạt chuẩn, đạt 2,5%; tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị chậm khắc phục. Về công tác khám chữa bệnh, theo đại biểu chất lượng thuốc và công tác VSATTP có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; nhiều bệnh viện còn tình trạng quá tải tại hầu hết các khoa phòng. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho tu bổ di tích còn hạn hẹp; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa rõ nét, chưa gắn với giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; nợ đọng BHXH, BHYT tại  nhiều đơn vị còn lớn.

Về giải pháp, đối với giáo dục, đại biểu Thắng đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao; sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường học tại khu đô thị. 
 
Đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) cho rằng không gì hiệu quả hơn đầu tư vào giáo dục đào tạo, đó là vấn đề cốt lõi của bất kỳ quốc gia nào. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, đến 2020, Hà Nội còn thiếu 314 trường mầm non, tiểu học và THCS. Số lượng thiếu nhưng chất lượng chưa bảo đảm bởi 1/80 trường được công nhận chuẩn quốc gia.
 
Theo đại biểu Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy), dù thiếu trường nhưng Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để có giải pháp phù hợp. Hà Nội cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư quan tâm tới giáo dục. Đại biểu gợi ý nên tổ chức các cuộc đối thoại để các nhà đầu tư chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc, để có thể tham gia đầu tư vào giáo dục.
 
Còn theo đại biểu Vũ Tiến Minh (Thường Tín), hiện nay, không gian ngầm Hà Nội quản lý chưa tốt, do đó, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch này. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa hướng Bắc - Nam rất nhiều, đề nghị TP sớm hoàn thiện Vành đai 4 (đặc biệt là QL6 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) và Tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; ngoài ra cần quan tâm tập trung đầu tư hoàn thành QL1A cũ địa phận Thanh Trì - Vành đai 4....
 
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (Thường Tín) cho rằng, chúng ta đã rất quan tâm tới VSATTP nhưng Hà Nội vẫn chưa là điểm đến yên tâm của khách du lịch. Nguyên nhân một phần do chưa có quy hoạch tổng thể về VSATTP, lượng người dân vào siêu thị mới chỉ 30%, 70% người dân mua thực phẩm ở chợ cóc. Hà Nội cần làm đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn đề thực phẩm sạch hiệu quả và bền vững. Cần có chính sách để người nông dân có thể đầu tư bền vững, có giải pháp thu hút nguồn lực xã hội để cải thiện vấn đề VSATTP...
 
Thảo luận tại tổ số 5
 
* Tại tổ thảo luận số 5 có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu HĐND Thành phố ứng cử tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Tây Hồ, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức.
 
Đại biểu Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng: Lĩnh vực thu hút đầu tư Thành phố đã có những cải cách và quan tâm đến doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và gia tăng. Tuy nhiên, trên địa bàn Mê Linh, các nhà đầu tư về đô thị mức độ triển khai dự án còn chậm, thậm chí không triển khai, đề nghị Thành phố cần kiên quyết thu hồi những dự án chậm đầu tư. Bên cạnh đó, đại biểu cùng đề nghị Thành phố tiếp tục quan tâm giải quyết đất dịch vụ cho người dân để tránh khiếu kiện đông người.
 
Theo Đại biểu Phạm Đình Đoàn, về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, Thành phố đã có nhiều cố gắng, song chỉ số PAPI đạt thấp trong khi Thành phố đang phấn đấu đạt top 10. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thành phố cần phải có những giải pháp cụ thể.
 
Nêu ý kiến về vấn đề phân cấp theo Quyết định số 41 của UBND Thành phố, đại biểu Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị Thành phố cần rà soát lại việc phân cấp về thủy lợi, đầu tư hạ tầng giao thông, chiếu sáng, quy trình thẩm định phê duyệt quy hoạch, quản lý hạ tầng giao thông sát hơn nữa. 
 
Về vấn đề quản lý nhà chung cư, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho rằng, những năm qua, Thành phố đã quan tâm và chỉ đạo sát sao về công tác này và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đại biểu Thắng, Thành phố cần cần quan tâm rà soát, giải quyết phí bảo trì 2%, xác định giải quyết diện tích chung, riêng để đảm bảo an ninh trật tự tại các nhà chung cư.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận và đề xuất một số nội dung: Đề nghị UBND Thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và các hoạt động tôn giáo; quản lý nhà nước về các di tích, gắn trùng tu với việc phát triển du lịch. Cần có giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường đào tạo cán bộ phường, xã để đáp ứng yêu cầu. Quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng.
 
Về phát triển nông nghiệp, UBND TP cần rà soát những việc đã làm trong thời gian qua để tiếp tục có có cơ chế chính sách hỗ trợ trong thời gian tới; chỉ đạo việc xây dựng và duy trì những tiêu chí NTM đã đạt để đảm bảo xây dựng NTM bền vững. Tiếp tục rà soát lại từng quận, huyện để có tháo gỡ về đất dịch vụ cho người dân.
 
Đề nghị Thành phố cần kiểm tra, xử lý nước thải ở khu vực nhà chung cư để đảm bảo môi trường; rà soát, tháo gỡ những khó khăn trong GPMB, tiến độ giải ngân vốn đầu tư; tăng cường và thực hiện các giải pháp mạnh giải quyết dịch bệnh… 
 
Thảo luận tại tổ số 4
 
* Tại Tổ 4, trao đổi về các vấn đề phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền (đại biểu huyện Quốc Oai) đánh giá: Nhìn chung bức tranh tổng thể phát triển kinh tế của Hà Nội có nhiều chuyển biến, tăng trưởng tốt so cùng kỳ và mục tiêu đặt ra trong năm. Tốc độ GDP duy trì tăng trưởng và dự kiến toàn nhiệm kỳ sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Cũng theo đại biểu việc tốc độ GDP trong Quý I và Quý II của Hà Nội thấp hơn so với cả nước là do quy mô kinh tế ổn định và xu hướng tăng trưởng theo các quý, quý sau hơn quý trước, trong khi các tỉnh thành có nhiều doanh nghiệp mới hoạt động do vậy tốc độ tăng trưởng của Hà Nội thấp hơn cả nước trong Quý I, II, tuy nhiên, trong cả năm dự kiến sẽ đạt tăng trưởng 7,45%, đạt chỉ tiêu đề ra. Trong 5 năm gần đây, Hà Nội đều có những bước tiến vượt bậc trong việc thu hút vốn đầu tư xã hội. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn tăng qua từng năm, từ việc xếp gần cuối bảng đến nay đã đạt vị trí 13, mục tiêu 2019 Hà Nội sẽ vào top 10 cả nước. Hiện nay, Sở KH&ĐT đang cùng các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nâng cao chỉ số PCI.
 
Đại biểu Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" đã lập kỷ lục với 71 dự án, thu hút hơn 300 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, đứng đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm về thu hút đầu tư. Trong 2,5 năm, Hà Nội cũng đã thu hút được 12 tỷ USD bằng 59% vốn thu hút đầu tư nước ngoài trong 30 năm đổi mới. Hiện nay, có luồng dư luận có hoài nghi, băn khoăn thu hút đầu tư nhiều nhưng hiệu quả được bao nhiêu? Tuy nhiên, Thành phố trên cơ sở thu hút vốn đầu tư đã rà soát lại danh mục dự án đầu tư, tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, các công trình giao thông, đến nay các trục đường hướng tâm, đường vành đai đã cơ bản khép kín…
 
Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ, đai biểu cho rằng có 3 chỉ tiêu còn gặp nhiều khó khăn, Thành phố phải quyết liệt đôn đốc, đầu tư mới có thể đạt được là chỉ tiêu giường bệnh trên bệnh nhân, nước sạch, môi trường.
 
Đại biểu Phạm Xuân Phương (tổ Sóc Sơn) đề nghị Thành phố rà soát, xem xét lại việc phân cấp, những vấn đề quận, huyện có thể đảm bảo thì nên phân cấp cho quận huyện để đáp ứng kịp thời như cầu. Nhất là trong việc phân cấp về quản lý thủy lợi, chiếu sáng, cắt tỉa cây xanh, quản lý rừng…
 
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (tổ Chương Mỹ) cho rằng hiện nay Thành phố đang rất quan tâm hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp nhưng việc các doanh nghiệp hoạt động, duy trì như nào vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu đề nghị HĐND TP cần có những cơ chế để hỗ trợ cũng như có chính sách quản lý các doanh nghiệp.
 
Đại biểu Nguyễn Nhật Tiến quan tâm đến vấn đề xây dựng các trường công lập để bố trí đủ lớp học cho học sinh. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát có cơ chế quản lý đô thị đồng bộ, tránh tình trạng một con đường cả thành phố và quận cùng quản lý…
 
Đại biểu Nguyễn Hoàng (tổ Phú Xuyên) nêu ý kiến, hiện nay nguồn nước sông Nhuệ, Sông Tô Lịch ô nhiễm rất nặng nề. Do vậy, Thành phố cần đầu tư để cải tạo ô nhiễm nguồn nước, nếu vốn đầu tư không đủ thì kêu gọi doanh nghiệp tham gia theo các hình thức BT…
 
* Sáng mai, Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức khai mạc kỳ họp thứ sáu.

Nhóm Chuyên viên Văn phòng HĐND TP


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    788 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.903.198
    Online: 89