Chiều 29/10, tiếp theo Chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở Tổ về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi thảo luận.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi thảo luận Tổ.
Trước khi thảo luận tại Tổ, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng: hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch, trong đó, có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện, huy động vốn đầu tư phát triển tăng. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt, tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam góp ý dự thảo Luật
Bày tỏ sự đồng tình đến việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Tạ Đình Thi cho biết việc ban hành kế hoạch là hết sức cần thiết cùng với các kế hoạch, mục tiêu quốc gia của Quốc hội, nên cần rà soát lại để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản Quốc hội đã ban hành. Cùng với đó, Chính phủ cần báo cáo đánh giá kỹ bối cảnh nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 và đi theo đó là các kịch bản, đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó cần xác định khâu đột phá chiến lược trong việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này. “Trung ương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2030, đóng góp 10% GDP cả nước. Vì thế, kế hoạch cần chú trọng đến việc phân vùng, liên kết kinh tế giữa các khu vực, tỉnh có kinh tế biển, chú trọng phát triển kinh tế xanh,”
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân góp ý dự thảo Luật
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm, việc dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cần được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với đất dành cho trồng lúa, phát triển ngành Nông nghiệp phải được bảo vệ. Quy hoạch về đất trồng lúa cần được đề cập rõ ràng hơn trong Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất quốc gia của Chính phủ. Bên cạnh việc việc bảo vệ quỹ đất dành cho trồng lúa và phát triển ngành Nông nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự kiến kế hoạch sử dụng đất cũng cần chú ý đến quỹ đất dành cho phát triển các khu kinh tế.
Trong đó, đất dành cho phát triển các khu công nghiệp tăng là cần thiết. Riêng khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu phải được chú trọng. Vì việc dành quỹ đất cho những nơi này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh nền kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra cần xem xét lại quy hoạch sử dụng đất đô thị. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều quỹ đất dành cho phát triển đô thị lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trúc Anh cho rằng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia gắn với quy hoạch xây dựng ở từng vùng, khu chức năng và sự phát triển ở các địa phương. Việc quy hoạch sử dụng đất nên chia theo ở cấp Trung ương và địa phương có sự quản lý, tổ chức khác nhau và rõ ràng. Để thực hiện được việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các địa phương trong việc thống kê quỹ đất, nhu cầu sử dụng đất ở các địa bàn, ngành nghề.