Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND đã tạo cơ sở pháp lý, động lực rất quan trọng, thiết thực nhằm tạo chuyển biến, chuẩn hoá, theo hướng đồng bộ, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Các chương trình giám sát của HĐND các cấp thành phố Hà Nội được triển khai rất thiết thực, đi đến tận cùng vấn đề và được tuyên truyền rộng khắp đã càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, thực sự thể hiện vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Thường trực HĐND Thành phố giám sát công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tại UBND quận Đống Đa
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước với quy mô, khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp nảy sinh. Đối với hoạt động giám sát - là một chức năng quan trọng trong hoạt động của HĐND các cấp, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm sáng tạo của một số tỉnh, thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của Luật và tình hình thực tiễn của Thành phố giám sát sâu, đi tận cùng vấn đề.
Từ nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay và đặc biệt, ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594; cùng với triển khai thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, hoạt động giám sát của HĐND các cấp Thành phố đã thực sự “tươi mới”, đa dạng và hiệu quả vượt bậc.
HĐND Thành phố và Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức được 11 cuộc giám sát, khảo sát; 04 Ban HĐND Thành phố tổ chức được 48 cuộc giám sát; các Tổ đại biểu tổ chức được 54 cuộc giám sát. HĐND 30 quận, huyện, thị xã tổ chức 899 cuộc giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; 1.012 cuộc giám sát của các Ban HĐND và 852 cuộc giám sát của các Tổ đại biểu. HĐND 404 xã, thị trấn tổ chức được 3.544 cuộc giám sát. Số cuộc giám sát nhiều hơn so với cùng thời kỳ; nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề cần tập trung của địa phương, các lĩnh vực bức xúc, được cử tri và Nhân dân quan tâm; kết luận giám sát chất lượng ngày càng được nâng cao, tập trung nhiều vào tồn tại, hạn chế và kiến nghị các giải pháp tới các cơ quan cấp trên, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, các đối tượng chịu giám sát.
Thường trực HĐND Thành phố cũng đã tổ chức 01 phiên chất vấn giữa 02 kỳ họp và 03 phiên giải trình về các nội dung quan trọng, bức xúc được cử tri và Nhân dân quan tâm. Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức 174 phiên họp có hoạt động chất vấn, giải trình; Thường trực HĐND cấp xã tổ chức 914 phiên họp có hoạt động chất vấn, giải trình.
Đạt được các kết quả vượt bậc cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát của HĐND các cấp Thành phố trong thời gian qua ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cấp ủy địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan còn là do:
(1) Chuẩn hóa trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đoàn giám sát và ban hành kết luận, theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận.
Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND xây dựng kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm, trong đó xác định rõ nội dung giám sát chuyên đề, nội dung chất vấn, nội dung giải trình; thời gian thực hiện; đối tượng giám sát... Chủ đề giám sát là những vấn đề dân sinh bức xúc hoặc những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được đông đảo dư luận nhân dân quan tâm, được lựa chọn từ công tác tổng hợp những ý kiến kiến nghị của cử tri, của báo cáo xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam Thành phố, qua các kết quả khảo sát của các Ban, Tổ đại biểu, đặc biệt qua các kênh thông tin báo chí, dư luận xã hội và kết luận, chỉ đạo của Thường trực, Thường vụ Thành ủy. HĐND Thành phố và HĐND cấp huyện, cấp xã đều tham khảo nội dung chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội và HĐND cấp trên để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và địa điểm được giám sát. Ngoài ra, có sự kết nối, liên thông giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát của HĐND về chương trình, nội dung, đối tượng, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát khoa học, từ đó góp phần hiệu quả hơn trong hoạt động giám sát của HĐND. Thường trực HĐND chịu trách nhiệm tổng hợp, điều hòa chung đảm bảo hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, hình thức, kém hiệu quả.
Hình thức giám sát tiếp tục được thực hiện theo hướng linh hoạt và đa dạng hóa: tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo, giám sát thường kỳ và giám sát đột xuất. Tăng cường giám sát trực tiếp tại cơ sở, hoạt động giám sát, khảo sát trực tiếp chú trọng vào các đối tượng tác động trực tiếp, trao đổi kỹ giữa các bên có liên quan để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất; tổ chức buổi giám sát linh hoạt theo nhóm các đơn vị tương đồng về nội dung, chức năng, nhiệm vụ; kết hợp giữa làm việc trực tiếp tại đơn vị giám sát và làm việc tại Trụ sở của HĐND để mở rộng được thành phần, đối tượng giám sát.
Quy trình giám sát phải đảm bảo theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Để tăng hiệu quả giám sát, thành phần mời dự các cuộc giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND được mở rộng, gồm đại diện cơ quan cấp trên, lãnh đạo các Ban Đảng, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giám sát... Các đại biểu HĐND tham gia cơ bản đầy đủ các Đoàn giám sát mà mình là thành viên. Trước và trong các cuộc giám sát, các văn bản có liên quan được cung cấp đầy đủ, kịp thời đến từng thành viên. Các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề, thông báo kết luận giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND được gửi đến các đại biểu HĐND để đại biểu theo dõi, giám sát việc tổ chức, thực hiện của UBND và các ngành hữu quan. Các chế độ, chính sách đối với các đại biểu HĐND, thành viên đoàn giám sát được thực hiện theo đúng quy định của Luật.
Đặc biệt, trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới trong công tác giám sát nhằm tăng cường, mở rộng hoạt động giám sát xuống cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường như: Đẩy mạnh phối hợp giữa các Ban HĐND, giữa hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với giám sát của Thường trực HĐND Thành phố, phối hợp giữa Tổ đại biểu và Thường trực HĐND quận, thị xã đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; đẩy mạnh việc tới tận cử tri, thôn, tổ dân phố, trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể; kết quả nhiều cuộc giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để chất vấn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (từ cán bộ, công chức cấp Thành phố đến cán bộ, công chức cấp xã và doanh nghiệp) tại các phiên chất vấn trong kỳ họp HĐND, phiên giải trình của Thường trực HĐND; là để xác định những giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế, vướng mắc.
Việc tổng hợp, theo dõi, tái giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát, kết luận chất vấn, giải trình tiếp tục được tăng cường chú trọng và triển khai hiệu quả. Định kỳ đều có rà soát, yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết và phân công các Ban, Tổ đại biểu đánh giá kết quả thực hiện; xem xét tiến hành chất vấn, giải trình và yêu cầu xem xét trách nhiệm nếu cần thiết.
(2) Vai trò của Thường trực HĐND và các đại biểu chuyên trách HĐND. Tại Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 160/2021/QH14 ngày 08/4/2021 của Quốc hội về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội; theo đó, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bố trí tối đa 19 người, là số lượng đại biểu chuyên trách cao nhất từ trước đến nay, tạo nên lực lượng nòng cốt, triển khai hiệu quả các hoạt động chung của HĐND và đối với hoạt động giám sát nói riêng, đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan dân cử của thành phố Hà Nội trong tình hình mới. Thường trực HĐND Thành phố cũng đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo quyết liệt, thúc đẩy hoạt động giám sát của HĐND các cấp. HĐND cấp huyện, cấp xã của Thành phố cũng đã nghiêm túc thực hiện Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, bố trí đủ số lượng đại biểu chuyên trách để tăng cường hoạt động.
Các đại biểu chuyên trách được phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo mỗi đầu việc đều có người chủ trì chịu trách nhiệm, người phối hợp, thời gian và tiến độ thực hiện. Các đại biểu chuyên trách khi được phân công phải theo đến cùng nhiệm vụ của mình cho đến khi có kết quả. Là thành phần nòng cốt trong các cuộc giám sát, làm việc tại cơ sở, trước và trong các cuộc giám sát, các đại biểu chuyên trách đều nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung giám sát, thu thập các thông tin cần thiết. Vì vậy các nhận định, đánh giá, các câu hỏi giám sát của đại biểu chuyên trách đều cụ thể, khách quan, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng giám sát, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu chuyên trách đã thể hiện rõ năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh của người đại biểu nhân dân; đặt câu hỏi ngắn gọn, cụ thể và tranh luận đến cùng vấn đề.
Không chỉ trực tiếp là nòng cốt trong các hoạt động, sự năng nổ, trách nhiệm, nhiệt huyết của các đại biểu chuyên trách đã lôi kéo, thúc đẩy các đại biểu HĐND khác cùng phát huy, tham gia tích cực trong các hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND và hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp.
(3) Công tác thông tin tuyên truyền. Đây là khâu rất quan trọng trong phát huy hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp thành phố Hà Nội. Có thể khẳng định, thông tin tuyên truyền chính là phương tiện quan trọng và là cầu nối giữa đại biểu HĐND với cử tri, nhân dân; HĐND luôn được người dân quan tâm, phải cùng dân, sát dân, gần dân, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân và quan trọng là phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia hoạt động cùng HĐND. Qua đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp phải đồng hành, gắn bó với công tác thông tin, tuyên truyền.
Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động nổi bật, quan trọng của HĐND các cấp, nhất là việc thực hiện hoạt động giám sát. Các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố đều được truyền hình trực tiếp, thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân, tạo được tiếng vang, sự lan tỏa trong thực hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Các hoạt động giám sát khác của HĐND Thành phố, HĐND cấp huyện, cấp xã cũng đã được tăng cường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; đồng thời, phối hợp thực hiện các phóng sự, video clip chuyên sâu về những nội dung bức xúc, được dư luận và cử tri quan tâm, gắn với vai trò giám sát của HĐND các cấp. Thông qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, giám sát của cộng đồng, phát huy hiệu quả thực chất của giám sát, lượng hóa được kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, lời hứa của lãnh đạo có trách nhiệm và đi đến tận cùng của vấn đề./.