Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HĐND thành phố Hà Nội đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt, trong đó hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới để phù hợp thực tiễn.

Tăng cường giám sát chuyên đề

Năm 2022, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 3 cuộc giám sát về thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố; việc thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Các ban HĐND thành phố dự kiến sẽ thực hiện 7 đợt giám sát chuyên đề thuộc các lĩnh vực về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, môi trường, đất đai…

Để đợt giám sát hiệu quả, thúc đẩy tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước, cần lựa chọn đúng và trúng nội dung, nhất là vấn đề dân sinh bức xúc hoặc những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được đông đảo dư luận cử tri nhân dân quan tâm. Trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách, bên cạnh những chuyên đề mà Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ chủ động nắm bắt, phát hiện qua các kênh thông tin báo chí, dư luận xã hội và kết luận, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để lựa chọn vấn đề trọng tâm giám sát như: Dự án chậm triển khai, việc bố trí vốn giải ngân xây dựng cơ bản…

Nét mới trong hoạt động giám sát của các ban HĐND thành phố thời gian qua đó là thực hiện theo hướng linh hoạt, đa dạng, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch. Trong đó, tăng cường giám sát chuyên đề, kết hợp giám sát trực tiếp, thông qua báo cáo, giám sát thường kỳ và đột xuất, tổ chức giám sát theo từng nhóm đối tượng. Để tăng hiệu quả các cuộc giám sát, thành phần mời dự cũng được mở rộng, gồm đại diện các cơ quan cấp trên, cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thực hiện giám sát để tăng tính phản biện.

Trong tháng 3 và tháng 4/2022, Ban Pháp chế thực hiện đợt giám sát việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế của thành phố. Nội dung giám sát công tác sắp xếp bộ máy, biên chế công chức và hoạt động của UBND phường thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Phương thức giám sát được kết hợp thông qua báo cáo bằng văn bản và làm việc trực tiếp với một số đơn vị nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Tương tự, Ban Đô thị HĐND thành phố cũng đã thành lập đoàn giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cách thức giám sát cũng được đổi mới theo hướng cả trực tiếp và gián tiếp. Riêng lĩnh vực đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, sẽ thị sát thực tế một số địa bàn, nhằm đánh giá toàn diện chất lượng sản phẩm dịch vụ công thuộc lĩnh vực đô thị, những hạn chế của đơn vị liên quan.

Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giám sát

Thời gian qua, hoạt động giám sát của Thường trực và các ban HĐND thành phố, nòng cốt là các đại biểu chuyên trách đều nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung giám sát, thu thập các thông tin cần thiết. Vì vậy, các nhận định, đánh giá, câu hỏi giám sát của đại biểu chuyên trách đều cụ thể, khách quan, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng giám sát, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.

Theo đánh giá của Thường trực HĐND TP, không chỉ giám sát chuyên đề, giám sát tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, 2/3 số câu hỏi chất vấn, tái chất vấn trên nghị trường đến từ các đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố. Các đại biểu chuyên trách đã thể hiện rõ năng lực, trách nhiệm, đặt câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, tranh luận đến cùng vấn đề. Để giúp đại biểu có thêm cái nhìn khách quan từ cơ sở, Thường trực HĐND thành phố cũng phân công các đại biểu chuyên trách theo dõi, tham dự các kỳ họp, các phiên giải trình của HĐND các quận, huyện, thị xã; tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri và tiếp công dân theo lịch, để nắm bắt toàn diện.

Bên cạnh thực hiện tốt hoạt động giám sát, HĐND thành phố cũng rất chú trọng giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát qua việc tái giám sát, đôn đốc… Tuy nhiên, để hoạt động giám sát của HĐND thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, cũng như quy định rõ các hình thức giám sát của HĐND Thành phố, HĐND quận, thị xã với UBND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của HĐND Thành phố, quận, huyện, thị xã, đặc biệt là trong việc giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường tại các quận, thị xã; để đảm bảo Chủ tịch UBND phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tránh trường hợp chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có HĐND phường giám sát./.

 

Vũ Thủy


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    717 người đã bình chọn
    Thống kê: 4.981.340
    Online: 47