Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 11/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đóng góp vào dự thảo Luật Giáo dục

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Nhận định dự thảo Luật cơ bản bao quát các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội...

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thảo luận về vấn đề chọn sách giáo khoa tại Điều 29 khoản 2 khó có thể thực hiện đại trà cho một nền giáo dục như ở Việt Nam, gây ra sự lộn xộn lớn trong biên soạn, lựa chọn, mua sắm, sử dụng sách giáo khoa, quản lý, thi cử, đánh giá trình độ người dạy, người học. Thêm nữa, quy định này mâu thuẫn với ngay chính đoạn đầu của khoản 2 Điều 29 này. Vì vậy, đại biểu Trí đề nghị cần sửa lại hệ thống giáo dục phổ thông chỉ có bộ sách giáo khoa theo chuẩn quốc gia thống nhất và phù hợp cho các cấp, các lớp phổ thông trong toàn quốc ổn định trong nhiều năm.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; cho biết cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sửa đổi một cách toàn diện các nội dung cần sửa đổi của Luật Giáo dục; tiến hành xin ý kiến của rất nhiều các đại biểu, đặc biệt là 63 tỉnh, thành, các nhà giáo, các tầng lớp nhân dân.

Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình các ý kiến đóng góp của đại biểu

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, cách tiếp cận sửa đổi Luật Giáo dục lần này là tiếp cận theo hướng xây dựng một Bộ luật Giáo dục, trong đó Luật Giáo dục là luật khung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc rất căn bản với một tầm nhìn dài, theo đó sẽ cụ thể bằng các luật chuyên ngành.

Về giáo viên sư phạm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong thực tế ngành cũng đã chỉ đạo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm theo hướng tập trung vào một số trường có điều kiện tốt để nâng cao chất lượng đào tạo, còn sinh viên vào thì theo hướng là xác định nhu cầu sử dụng ở các địa phương theo chương trình sách giáo khoa mới và gắn với đào tạo để từng bước đào tạo gắn với sử dụng.

Về vấn đề tự chủ, Bộ trưởng khẳng định, tự chủ là cần thiết nhưng chủ yếu là bậc đại học, đối với phổ thông thì đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường vai trò chủ động sáng tạo của các trường học, không hiểu tự chủ của phổ thông giống đại học.

Nhấn mạnh học phí trong dự thảo là tính đúng, tính đủ, song Bộ trưởng khẳng định với cấp học mầm non, phổ thông, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm cơ bản. Đây là bậc học mà thực tế Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục của bậc học này nên dù là tính đúng, tính đủ nhưng thực tế có nhiều chính sách Nhà nước bao cấp, học bổng, miễn học phí. Đối với bậc học này, Nhà nước vẫn có vai trò chủ chốt.

Đối với bậc đại học, Nhà nước vẫn có trách nhiệm nhưng khuyến khích tự chủ. Nhưng trách nhiệm ở đây thông qua giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu, không bao cấp. Như vậy, cơ cấu lại 20% ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường cho mầm non, tiểu học và tiến tới trung học cơ sở, đặc biệt các khu vục khó khăn như miền núi, hải đảo.

“Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến để dựng dự thảo Luật Giáo dục căn cơ và đáp ứng cao nhất ý kiến tâm huyết của đại biểu góp ý hôm nay”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Phát biểu kết thúc thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để chỉ đạo việc lấy ý kiến và tổ chức thảo luận thêm để tiếp thu chỉnh lý, hoàn chỉnh dự án luật và sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Ngọc Ánh- Thanh Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.645.880
    Online: 96